Son và Tuấn thuộc diện ‘Nguyễn Phú Trọng quản lý’?

PostFri Jul 06, 2018 9:41 am

VOA - Vietnam News


Ngay cả khi xảy ra kịch bản Nguyễn Phú Trọng tỏ ra khách quan, không ưu ái hay không tìm cách ‘binh’ cho hai nhân vật Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn - đương kim Bộ trưởng thông tin và truyền thông, cái cách mà Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ trong phiên họp vào cuối tháng Sáu năm 2018 đã rất dễ khiến dư luận xã hội cho là ông Trọng đang tìm cách cứu vớt hai quan chức bị xem là ‘ăn ngập mặt, ăn đến táng tận lương tâm’ này.


‘Cấp có thẩm quyền’ là ai?


Hoàn toàn không nêu về hình thức kỷ luật đảng đối với hai ông Son và Tuấn, cũng không giải thích về ‘cấp có thẩm quyền’ là ai, đề nghị trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương giống như một sự đánh đố hỏa mù và cũng là thách thức dư luận.


Về mặt tổ chức đảng, cấp trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương chính là Thường trực Ban bí thư - cơ quan đang được phụ trách bởi cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng.


Còn trên Thường trực Ban bí thư là Bộ Chính trị - một bộ sậu đang được phụ trách bởi cựu tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.


Một bất công rất lớn là trong cùng phiên họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuối tháng Sáu năm 2018, một nhân vật gạo cội nằm trong đường dây ‘MobiFone mua AVG’ là ‘đồng chí Lê Nam Trà’ đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng - càng khiến tạo ra hố chênh lệch lớn giữa thân phận kẻ thừa hành của ông Trà với vai vế ‘chuột cống’ trực tiếp chỉ đạo của hai cấp trên của Trà là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.


‘Dấu ấn’ của Son và Tuấn


‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 - 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ.


Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ.


Một bằng chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.


Còn Trương Minh Tuấn - nhân vật ‘kiên định cách mạng’, ‘sát thủ báo chí’ và rất thường ‘đọc bài’ lẫn viết bài về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ rập khuôn theo tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng, cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Dấu hỏi rất lớn là số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được “lại quả” từ số tiền đó?


Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ - nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.


Bộ Công an cố tình chây ì?


Theo mối quan hệ dắt dây giữa nguyên tắc đảng và pháp đình cộng sản, sau khi bị tước đảng tịch, Lê Nam Trà sẽ rất có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự và phải đối mặt với vòng lao lý.


Mãi đến tháng Năm năm 2018 và phải sau hai tháng từ khi Thanh tra chính phủ ‘công bố lại’ kết luận thanh tra về vụ ‘MobiFone mua AVG’ sau khi Ngô Văn Khánh - quan chức Phó tổng thanh tra chính phủ bị nghi ngờ lớn về ‘ăn chịu’ trong vụ này cùng khối tài sản hoàng tráng và còn hơn cả khối nhà cửa đồ sộ của thủ trưởng tiền nhiệm là Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền - vừa nghỉ hưu, Bộ Công an mới tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra Chính phủ. Nếu vụ việc này được tiến hành ‘đúng quy trình’, sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ là phần việc của cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án.


Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu công khai nào từ phía Bộ Công an về ‘sẽ khởi tố vụ án AVG’. Một số dư luận lại đang cho rằng Bộ Công an - địa chỉ mà đã ‘nhúng chàm’ ghê gớm qua vụ ‘công an phòng chống tội phạm công nghệ cao bảo kê cho đánh bạc công nghệ cao’ mà hai tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã bị tra tay vào còng, dường như đang tìm cách chây ì thời gian ‘nghiên cứu hồ sơ chuyên án’ mà từ đó có thể khiến vụ AVG bị chìm xuồng.


Nguyễn Phú Trọng có ‘chống tham nhũng công bằng’?


Sau một thời gian nhùng nhằng cò cưa vụ AVG, đến cuối tháng Tư năm 2018, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.


Đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vụ ‘MobiFone mua AVG’ có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin - Truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là ‘rất nghiêm trọng’.


Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.


Nhưng mới đây, cái cách mà Ủy ban Kiểm tra trung ương ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ lại đang khiến dư luận không thể không hình dung ra cảnh trạng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn không hẳn thuộc diện ‘Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý’ (trong khi Nguyễn Bắc Son đã nghỉ hưu), mà lại như thể thuộc diện ‘Nguyễn Phú Trọng quản lý’.


Xem ra, sự việc nào cũng có nguồn cơn sâu xa và lịch sử của nó.


Vào tháng Tám năm 2016, ngôi sao chiếu mệnh của Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn bất thần sáng rỡ khi Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương - được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.


Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí - lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.


Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.


Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.


Cuộc chiến chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng chỉ có nét công bằng để vớt vát được ‘niềm tin nhân dân’, cũng là một cách cứu đảng và chế độ của ông Trọng vào thời kỳ buổi chợ chiều chính thể đã sầm sập bóng đêm, một khi ông ta phải chấp nhận ‘trảm’ cả người của ‘phe mình’.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Viet Nam - Vietnam News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 971 guests

cron