Page 1 of 1

Tại sao nên làm chủ căn nhà?

PostPosted: Thu Jun 16, 2011 9:45 am
by NewsReporter
Tại sao nên làm chủ căn nhà?
Tuesday, June 14, 2011 3:32:35 PM

HOA KỲ - Trong một thị trường địa ốc với số cung thừa thãi, mọi điều kiện đều sẵn sàng để khuyến khích người ta mua một căn nhà, vẫn có vài người thuê nhà tự hỏi: “Tại sao phải làm chủ căn nhà tôi đang ở?”

Lãi suất thấp, giá nhà hạ và một thị trường việc làm đang cải thiện vẫn khiến nhiều người mua án binh bất động, vì sợ một thị trường địa ốc bất trắc.

Các nhân viên địa ốc và ngay cả những người bán đang nhận thấy rằng những người có triển vọng mua nhà (hiện là những người thuê nhà) có thể cần được lưu ý thêm một chút về mặt cảm xúc trong các điều kiện thị trường ngày nay. Họ có thể cần được giải thích thêm một chút để bảo đảm rằng họ hiểu rõ những lợi ích của việc mua nhà thay vì thuê nhà của người khác.

Trong khi việc quyết định làm chủ một căn nhà hoặc thuê nhà tùy thuộc từng cá nhân, nhiều người có khuynh hướng để cho sự lo sợ vu vơ trở thành động lực điều khiển quyết định của họ và có thể tạo ra một quyết định không vui về sau.

Ðây là năm lý do hàng đầu để ít nhất xem xét việc làm chủ căn nhà của bạn:

1. Không còn lệ thuộc chủ nhà: Ðiều này có thể là một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng tùy theo kinh nghiệm của người có triển vọng mua nhà. Nhiều người thuê đã đổ nhiều tiền bạc vào một căn nhà mà họ đang ở để duy trì nó ở các tiêu chuẩn sinh sống mà họ muốn, để rồi thấy rằng chủ nhà của họ chẳng bao lâu sau dự tính bán nhà. Những đồng tiền khó kiếm của họ được đầu tư vào căn nhà mà họ thuê khi đó sẽ chỉ làm lợi cho người bán nhà.

2. Sửa sang căn nhà theo ý bạn: Ðiều này khó thực hiện hơn nhiều trong một căn nhà thuê. Ðúng vậy, như vừa được nêu trên, bạn có thể thực hiện vài cải tiến, nhưng nhiều điều mà bạn có thể thực hiện cho một căn nhà mà bạn làm chủ không thể thực hiện đối với một căn nhà mà bạn đang thuê. Hãy lấy thí dụ những hạn chế của Hiệp Hội Chủ Nhà hoặc chương trình phát triển cộng đồng có kế hoạch, việc làm chủ vẫn cung cấp nhiều quyền hành và linh động hơn việc thuê nhà.

3. Cân nhắc phí tổn của việc sở hữu nhà: Dĩ nhiên, với quyền sở hữu, bạn sẽ không gọi cho người chủ để tới sửa chữa bồn cầu hoặc máy rửa chén. Do đó, bạn cần một khoản tài chánh dự trữ để giúp bạn đối phó trong tương lai khi bạn gặp phải những trục trặc bất ngờ. Các websites như GinnieMae.gov cung cấp những bảng giá sẽ giúp bạn so sánh bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu bằng cách mua thay vì thuê. Ðó là một công cụ hữu ích cho phép bạn phân tích các yếu tố như những khoản tiết kiệm về thuế mà có thể bạn sẽ nhận được, phần trị giá căn nhà mà bạn sẽ tích lũy được sau khi trừ tiền vay mua nhà (equity), và tiền thuê nhà có thể sẽ tăng bao nhiêu.

4. Các kế hoạch dài hạn làm lệch cán cân về phía làm chủ: Trong một bài mới đây trên tờ Tampa Bay, ông Walter Molony thuộc Hiệp Hội các Chuyên Viên Ðịa Ốc Toàn Quốc (NAR) nói: “Ðối với những người có các kế hoạch dài hạn, phương trình thuê so với mua nghiêng hẳn về phía mua bởi vì số nhà hợp với túi tiền hiện ở mức cao kỷ lục kể từ năm 1970.” Theo ông, “Nhà bị đánh giá thấp trong nhiều vùng - bán ra dưới phí tổn để xây dựng thay thế - và tiền thuê nhà đang tăng với một nhịp độ nhanh chóng hơn. Nhiều người hiện đang xem xét việc làm chủ như một hàng rào chống lạm phát.”

5. Lãi suất thấp và nhà giá rẻ sẽ không tồn tại mãi: Nếu bạn không sẵn sàng để mua hoặc giản dị không đủ sức để làm chủ một căn nhà, ngay cả những lãi suất thấp nhất từ trước tới nay và giá nhà vừa với túi tiền có thể cũng không khiến bạn nhảy vào việc sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, hiểu rằng những điều kiện này sẽ không kéo dài mãi là điều quan trọng. Thỉnh thoảng, khi tình hình kéo dài, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chúng sẽ luôn luôn như vậy.

Những vụ bán nhà bị túng quẫn sẽ bắt đầu giảm đi vào năm 2013 và điều đó sẽ làm cho giá nhà nhích lên dần, theo tiên đoán của Moody's Analytics. Với ít hoạt động trên mặt trận xây dựng nhà, và số cung vẫn mạnh, người ta không nghĩ việc xây nhà sẽ gia tăng nhiều. Ngoài ra, con số những gia đình mới mỗi năm mỗi tăng, điều được trông đợi sẽ giúp giảm bớt số cung thặng dư trong những năm tới. (N.N.)

Theo: Người Việt