Thân thương trái bầu14.50pm 17-03-2011
(TBKTSG Online) - Từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch là mùa trồng bầu ở quê tôi. Những dây bầu vươn dài trên giàn, lá tròn xòe rộng, xanh thắm, rợp bóng mát một góc vườn quê. Những trái bầu xanh nõn, treo mình, đung đưa dưới nắng xuân ấm áp, chờ người nội trợ hái vào chế biến thành những món ăn ngon.
Vào tháng chạp, người quê tôi đặt hạt giống xuống đất, vài ngày sau đã thấy những chồi non nhú lên khỏi mặt đất, hút dưỡng chất từ lòng đất mẹ, vụt lớn. Người ta làm giàn cho dây bầu leo lên. Chẳng bao lâu sau, giàn bầu đã xanh thắm, tỏa bóng mát một khoảnh vườn. Khoảng một tháng sau khi gieo hạt, những trái bầu non đã bắt đầu treo lủng lẳng dưới thân dây mẹ. Bầu ra trái liên tục, nên chỉ cần vài dây bầu thôi là có trái ăn thường xuyên, thậm chí còn dư mang ra chợ bán hoặc đem biếu hàng xóm.
Trái bầu non có vị ngọt, thơm, mát, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Đơn giản nhất là bầu luộc. Chọn trái bầu vừa lớn, tươi, non xanh, gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát vừa ăn rồi luộc chín. Đọt bầu xanh thắm, nõn nà, có thể luộc chấm nước cá hay mắm cái hay mắm ruốc là một món ăn rất ngon và lạ miệng. Vị ngọt của bầu quyện với vị đậm đà và hương thơm đặc trưng của ruốc khiến mọi người ngon miệng hẳn lên.
Bầu xào cũng là một món ăn dân dã và dễ chế biến. Bầu có thể xào với thịt bò hay với tôm rất ngon. Nhưng với người quê tôi, chỉ cần một trái bầu non, gọt vỏ, cắt lát mỏng rồi xào với dầu phụng, thêm chút muối, mì chính, hành lá và tiêu bột là đã ngon lắm rồi. Những lát bầu mảnh mai, trắng trong, ngọt dịu quyện vị béo của dầu phụng, thơm của hành lá, cay nhẹ của tiêu bột khiến mọi người ăn đến quên no.
Canh bầu nấu tôm.
Mùa này, mẹ tôi đi chợ thường mua một ít nấm rơm về nấu canh bầu đãi cả nhà. Mẹ luôn lựa những nấm rơm mập mạp, chưa nở, lặt bỏ phần gốc, rửa sạch rồi cẩn thận chẻ nấm theo chiều dọc thành những miếng nhỏ. Mẹ xào nấm với gia vị cho thấm rồi cho nước sôi vào, tiếp theo mẹ cho bầu (đã được cắt lát mỏng) vào đun sôi rồi tắt bếp. Để món canh thêm thơm ngon và đậm đà hương vị, mẹ không quên cho thêm ít tiêu bột và hành lá cắt nhỏ. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng món canh bầu nấu nấm của mẹ thật ngọt, thật thanh tao và lạ miệng. Hôm nào được mẹ đãi món ăn dân dã này là y như như rằng mấy chị em tôi chén vèo một lúc là hết ngay tô canh rồi mà vẫn còn thòm thèm lắm.
Canh bầu còn được nấu với tôm, cua, hến, thịt bò hay ruốc rất ngon. Những món canh bầu tưởng chừng như rất quê mùa và giản dị ấy lại đi vào thơ ca và trở thành nỗi nhớ của những người con xa quê mỗi khi mùa bầu đến.
Khi bầu ra quả rộ, trái nhiều, oằn cả chiếc giàn nhỏ là lúc người quê tôi hái bầu vào gọt vỏ, xắt lát, phơi khô để dành. Bầu khô ngâm nước, rửa sạch rồi kho cá rất ngon. Nhớ những ngày miền Trung oằn mình trong mưa bão, mẹ lui cui bê cái nắp ghè sành, lôi ra bịch bầu khô. Mẹ ngâm nước cho bầu mềm ra, rửa sạch rồi luộc chín, vậy là cả nhà có một đĩa bầu luộc chấm mắm cái ngon lành. Hôm sau, mẹ lại xào bầu khô với dầu, thêm một chút nước mắm, mì chính. Đơn giản vậy thôi nhưng những lát bầu khô ấy đã giúp mấy bố con tôi no bụng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất của quê nhà.
Cho dù cuộc sống ngày càng khá giả và thay đổi như thế nào đi nữa, những giàn bầu xanh tươi kia vẫn mãi hiện diện trong mỗi mảnh vườn quê tôi mỗi độ xuân về. Bởi với người quê tôi, bầu không chỉ là một loại qủa bình thường dùng để ăn, mà nó còn là hình ảnh của sự giản dị, mộc mạc nhưng đầy tình nghĩa của làng quê Việt.
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
Thân thương trái bầu.
(Bài viết rất hữu ích và cảm động, không biết tác giả là ai nhưng cảm ơn nhiều. Cảm ơn Tigon đã đưa link cho chị. Elle.)