Hưởng ứng Ngày Tim Mạch Thế Giới 29/9/2011
THÔNG ĐIỆP NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI 2011
Thạc sĩ Đào Duy An
Thông điệp thế giới
Ngày 29/9/2011 là lần thứ mười một Liên đoàn Tim mạch Thế giới, một hiệp hội phi lợi nhuận, tổ chức Ngày Tim mạch Thế giới. Đây là dịp để hơn 100 nước trên thế giới tổ chức các hoạt động nhằm giúp dân chúng hiểu về bệnh tim mạch như kiểm tra sức khỏe, đi bộ, chạy, hội thao, hội thảo khoa học, trao đổi về bệnh tim mạch.
Chủ đề năm nay là “One World, One Home, One Heart”, tạm dịch là “Thế giới, Gia đình và Trái tim” nghĩa là mọi Gia đình trên Thế giới hãy cải thiện sức khoẻ Tim mạch chính mình và gia đình.
Mỗi năm bệnh tim mạch và đột quỵ gây chết 17,1 triệu người trên thế giới, chiếm 29% tổng tử vong toàn cầu và là nguyên nhân chết hàng đầu, trong đó 82% xảy ra tại các nước thu nhập thấp và trung bình mà ít nhất 80% tử vong này có thể ngừa được nhờ thay đổi lối sống.
Nhận thức được tầm quan trọng của bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn, tháng 9/2011 Liên hiệp quốc hội nghị cấp cao lần đầu tiên về các bệnh không lây nhiễm.
Liên đoàn Tim mạch Thế giới xác định gia đình là trung tâm sinh hoạt của các thành viên, là chỗ tốt nhất để bắt đầu cải thiện sức khoẻ tim mạch; vì vậy mỗi người trong gia đình trên khắp địa cầu phải biết các yếu tố nguy cơ tim mạch và thực hiện các bước quan trọng để giảm nguy cơ đó. Các yếu tố nguy cơ tim mạch là tăng huyết áp, loạn mỡ máu, đái tháo đường, không vận động thân thể, thừa cân và hút thuốc lá.
Cách thức cải thiện sức khoẻ tim mạch cá nhân và gia đình:
1. Cấm hút thuốc lá trong nhà. Hút thuốc lá gây ra 1/5 bệnh tim mạch trên thế giới. Bỏ hút thuốc lá một năm thì nguy cơ bệnh mạch vành giảm còn một nửa và sau 15 năm bỏ hút thuốc thì nguy cơ này giống người chưa hút thuốc bao giờ.
2. Cho gia đình ăn nhiều rau xanh và trái cây. Ăn uống lành mạnh là ăn ít mỡ động vật, ăn nhiều rau xanh và trái cây.
3. Thân năng động: xem ti vi dưới 2 giờ mỗi ngày; tổ chức gia đình đạp xe dã ngoại, đi bộ đường dài hoặc làm vườn…Tận dụng mọi cơ hội để động thân như đi thang bộ, đi bộ, đạp xe. Vận động thân thể mức trung bình 30 phút mỗi ngày.
4. Biết các chỉ số sức khoẻ: đến bác sỹ khám để biết chỉ số huyết áp, đường máu, mỡ máu cũng như tỷ lệ vòng bụng/vòng mông, chỉ số khối-cơ thể và tuân thủ điều chỉnh các chỉ số này nếu bất thường.
Thực hiện bốn bước trên, mỗi người và gia đình có thể giảm gánh nặng bệnh tim mạch dù ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Tuy nhiên, không phải phòng được tất cả bệnh tim mạch; vì vậy, phải biết hành xử khi cơn truỵ tim (nhồi máu cơ tim) hoặc đột quỵ xảy ra tại nhà.
Hơn 70% cấp cứu tim mạch và hô hấp xảy ra tại nhà khi một thành viên gia đình có mặt và có thể giúp nạn nhân. Mỗi thành viên gia đình phải học cách nhận biết các nguy cấp để gọi cấp cứu kịp thời và tốt nhất là học một khoá hồi sinh tim phổi cơ bản để có cơ may cứu sống người thân.
Dấu hiệu cảnh báo cơn truỵ tim:
• Đau hoặc cảm giác ép chắt ngực trái.
• Đau từ ngực trái lan ra cổ, tay, lưng, bụng.
• Khó thở đột ngột.
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ:
• Đột ngột yếu một bên cơ thể như tay, chân, mặt.
• Đột ngột lú lẫn, nói khó, không hiểu.
• Đột ngột nhìn mờ một hoặc hai mắt.
• Đột ngột đi lại khó khăn, mất thăng bằng.
• Đột ngột nhức đầu dữ dội.
Bối cảnh Việt Nam
Việt Nam là một nước thu nhập thấp nhưng lối sống có xu hướng công nghiệp.
Bệnh tim mạch ngày càng tăng. Thống kê bệnh tật trong bệnh viện của Bộ Y tế nhiều năm cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh tim mạch thuộc tốp 10 bệnh cao nhất. Hiện nay, các tiến bộ y học để chữa các biến chứng do bệnh tim mạch chủ yếu ở các thành phố lớn và còn tản mác trong khi 70,4% dân chúng lại ở nông thôn; hơn nữa, chi phí chữa biến chứng rất cao mà sau đó người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc nhiều hơn trước để kiểm soát bệnh tật.
Đất nước bốn mùa hoa trái, bữa ăn dân dã ngoại trừ thói quen ăn mặn rất tốt cho tim mạch. Bác sỹ ở bất cứ cơ sở y tế nào cũng giúp người dân xác định được các chỉ số sức khoẻ. Vì vậy, phòng ngừa bệnh tim mạch luôn là biện pháp tốt nhất với người dân Việt Nam; tuy nhiên, để người dân biết và thực hiện ngừa bệnh tim mạch thì tính thiện nguyện của giới y tế đóng vai trò chủ đạo, ít ra là trong dịp này.
Hãy bắt đầu hay lại là chờ “nước đến chân mới nhảy”1, để “có bệnh” 2 lại “vái tứ phương” 3 như bao đời?
Thạc sĩ Đào Duy An
1, 2, 3 : lời trong tục ngữ Việt Nam
(Theo: yduocngaynay)