VOA - Health
<!--IMAGE-LEFT-->Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Một thính giả không muốn nêu danh tính ở Cần Thơ có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền trả lời:
Pharyngitis in HIV patient
Trả lời câu hỏi về viêm họng ở bịnh nhân HIV.
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là một siêu vi loại retrovirus làm ức chế hệ miễn nhiễm, tức là làm cho sức đề kháng của cơ thể người bịnh bị giảm sút đi, virus truyền qua đường tính dục (sexually transmitted disease), đường máu, hoặc lúc mẹ sinh ra con.
CD 4 T-cell count: đếm tế bào CD4.
CD4, còn gọi là tế bào T-helper cell="tế bào giúp đỡ", phụ trách thanh toán các vi khuẩn đột nhập vào cơ thể. Đếm số lượng tế bào CD 4 để ước lượng sức đề kháng của cơ thể, để xếp loại nặng nhẹ của tình trạng nhiễm HIV, quyết định lúc nào thì cần phải dùng thuốc kháng retrovirus (dưới 350, ở Mỹ, hoặc thấp hơn dưới 200 ở các nước nghèo hơn), lúc mới định bịnh, sau đó đo mức CD 4 để theo dõi kết quả chữa trị. Ở người nhiễm HIV số lượng CD4 giảm thấp dần, đến mức người đó dễ bị nhiễm những vi trùng, nấm mà trên người bình thường không gây ra bịnh (opportunistic infections).
Viêm họng và HIV
1) HIV có thể gây nhiều triệu chứng lúc mới phát bịnh. Viêm họng là một triệu chứng thường gặp lúc mới khởi bịnh HIV.
Khoảng thời gian từ lúc nhiễm virus cho tới lúc cơ thể sản xuất được kháng thể (antibodies) chống lại virus gọi là thời gian nhiễm HIV sơ kỳ (primary HIV infection). Lúc này nếu thử máu, chúng ta vẫn chưa phát hiện được kháng thể chống HIV (phải mất chừng 8 ngày đến 10 tuần mới phát hiện được kháng thể chống HIV) cho nên nếu thử HIV theo lối thông thường, sẽ có kết quả âm tính. Các triệu chứng này được gọi chung là hội chứng retrovirus cấp tính (acute retroviral syndrome), có thể giống những bịnh thông thường, và bác sĩ cần cảnh giác cao để nhận ra khả năng HIV.
Những yếu tố cơ nguy làm bs nghĩ đến nhiễm HIV:
1. giao hợp tính dục không được che chở bằng condom (unprotected sex), nhất là giữa nam phái với nhau (MSM).
2. bịnh nhân từng mắc bịnh phong tình (bịnh truyền qua đường tính dục=sexually transmitted diseases/STD)
3. bịnh thân tiếp xúc với máu người khác bị nhiễm HIV; qua vết thương hoặc qua niêm mạc (mắt, miệng, tính dục)
4. bịnh nhân từng được truyền máu (trước 1985 nếu ở Mỹ, sau 1985, thì máu được kiểm soát về HIV trước khi dùng)
5. người dùng kim chích drug xài chung với người khác.
6. con của phụ nữ bị mắc HIV (người ta có thể phòng ngừa bằng cách sanh mổ [Csection], cho mẹ uống thuốc chống HIV trước sau khi sanh, chữa em bé sau khi sanh).
Acute retroviral syndrome gồm những chứng sau:
- Nóng, đau cổ, mệt mỏi, sụt cân, sưng hạch (lymphadenopathy), lở loét vùng sinh dục, vùng hậu môn
- Riêng về vùng miệng và họng có thể viêm họng chảy mủ (exudative pharyngitis), lở trong miệng (oral ulcerations), dấu hiệu nhiễm nấm candida trong miệng (thrush).
Trong giai đoạn này, bác sĩ có thể nghĩ rằng bịnh nhân bị chứng sưng họng thông thường do vi trùng Streptococcus, do siêu vi herpes, Epstein Barr virus, và nếu không đề cao cảnh giác bác sĩ có thể bỏ sót cơ hội định bịnh sớm (là bịnh nhân mắc HIV) để có biện pháp can thiệp sớm (anti-retroviral therapy).
Phải tìm các dấu vết của virus trong máu và định lượng chúng nhiều hay ít (HIV viral load testing, DNA assay) mới phát hiện được hiện diện của bịnh, do đó định bịnh sớm và dùng thuốc chống HIV kiểm soát bịnh hiệu quả hơn. Thử nghiệm đo DNA cho HIV và chữa trị trong giai đoạn sớm này có tính cách thí nghiệm, còn tranh cãi và chưa có kết quả chắc chắn, chỉ nêu ra đây với tính cách thông tin.
2) Ở người đã được định bịnh HIV, viêm họng có thể gây ra do những vi trùng khác nhau, do những siêu vi như herpes, nấm như candida.Bịnh nhân cần khám bs chuyên về chữa HIV để định bịnh (cấy vi trùng, cấy nấm), chữa bịnh và theo dõi. Ngoài ra, tuỳ mức độ nặng nhẹ (tuỳ theo lượng tế bào CD 4 trong máu), bác sĩ có thể cho bịnh nhân dùng những thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, hay nhiễm nấm (fungal infection) với mục đích ngăn chặn phòng ngừa.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.