Mỹ tiến hành nghiên cứu để thử nghiệm điều trị COVID kéo dài
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đang bắt đầu một số cuộc nghiên cứu để thử nghiệm các phương pháp điều trị khả thi đối với COVID kéo dài, một bước được hồi hộp chờ đợi trong nỗ lực của Hoa Kỳ chống lại COVID kéo dài, một tình trạng bí ẩn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Loan báo ngày 31/7 từ dự án RECOVER trị giá 1,15 tỷ đô la của NIH được đưa ra trong bối cảnh thất vọng từ những bệnh nhân đã phải vật lộn hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm với các vấn đề sức khỏe đôi khi gây tàn tật mà chưa có phương pháp điều trị mà chỉ có một số nghiên cứu để thử nghiệm những phương pháp tiềm năng.
Tiến sĩ Ziyad Al-Aly của Đại học Washington ở St. Louis, người không tham gia vào dự án của NIH, nói: “Đã chậm một hoặc hai năm rồi và phạm vi cũng nhỏ hơn so với hy vọng nhưng vẫn là một bước đi đúng hướng”. Ông nói thêm, có được câu trả lời là rất quan trọng, bởi vì “có rất nhiều người ngoài kia đang lợi dụng sự dễ tổn thương của bệnh nhân” bằng các liệu pháp chưa được chứng minh.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra COVID kéo dài, thuật ngữ chung cho khoảng 200 triệu chứng khác nhau sau khi bị COVID. Ước tính có khoảng 10% đến 30% số người đã trải qua một số dạng COVID kéo dài sau khi hồi phục từ COVID, nguy cơ này đã giảm phần nào kể từ đầu đại dịch.
“Nếu tôi có 10 người, tôi sẽ nhận được 10 câu trả lời về việc COVID thực sự kéo dài bao lâu,” Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra nói.
Đó là lý do tại sao cho đến nay, sáng kiến RECOVER đã theo dõi 24.000 bệnh nhân trong các cuộc nghiên cứu quan sát để giúp xác định các triệu chứng nặng và phổ biến nhất –- những phát hiện đang định hình các thử nghiệm điều trị đa hướng. Hai cuộc nghiên cứu đầu tiên sẽ xem xét việc sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer trong tối đa 25 ngày có thể làm dịu COVID kéo dài hay không, vì có giả thuyết cho rằng một số virus corona sống hoặc tàn dư của nó có thể ẩn náu trong cơ thể và gây ra rối loạn. Thông thường Paxlovid được sử dụng khi mới bị nhiễm bệnh và chỉ dùng trong năm ngày. Hai cuộc nghiên cứu đầu tiên cũng sẽ xem xét các phương pháp điều trị chứng thiếu minh mẫn, thiếu tập trung và các vấn đề về nhận thức khác.
Hai nghiên cứu bổ sung sẽ mở ra trong những tháng tới. Một sẽ thử nghiệm các phương pháp điều trị các vấn đề về giấc ngủ. Nghiên cứu còn lại sẽ nhắm vào các vấn đề với hệ thống thần kinh tự chủ - điều khiển các chức năng vô thức như thở và nhịp tim - bao gồm cả chứng rối loạn có tên là POTS.
Một nghiên cứu gây tranh cãi hơn về tình trạng không thể vận động thể dục và mệt mỏi cũng đã được lên kế hoạch. NIH tìm kiếm ý kiến đóng góp từ một số nhóm bệnh nhân lo lắng rằng việc tập thể dục có thể gây hại nhiều hơn là có lợi đối với một số người mắc COVID kéo dài.
Các thử nghiệm hiện đang thu nhận 300 đến 900 người lớn tham gia nhưng có tiềm năng phát triển quy mô lớn hơn. Không giống như các thí nghiệm điển hình thử nghiệm một phương pháp điều trị tại một thời điểm, các “nghiên cứu nền tảng” linh hoạt hơn này sẽ cho phép NIH bổ sung các liệu pháp tiềm năng trên cơ sở luân phiên.
Tiến sĩ Amy Patterson của NIH giải thích: “Chúng ta có thể xoay trục nhanh chóng.” Một phương pháp điều trị thất bại có thể bị loại bỏ mà không cần kết thúc toàn bộ quá trình thử nghiệm và “nếu có điều gì đó hứa hẹn xuất hiện, chúng tôi có thể làm ngay.”
Tính linh hoạt có thể là chìa khóa, theo Tiến sĩ Anthony Komaroff, một nhà nghiên cứu của Harvard, người không tham gia chương trình NIH nhưng từ lâu đã nghiên cứu về một chứng rối loạn bí ẩn tương tự được gọi là hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc ME/CFS. Ví dụ, ông nói, nghiên cứu thuốc Paxlovid “rất có lý”, nhưng nếu liều dùng trong 25 ngày chỉ cho thấy dấu hiệu có tác dụng, thì các nhà nghiên cứu có thể kéo dài thử nghiệm sang một liệu trình dài hơn thay vì bắt đầu lại từ đầu.
Ông Komaroff cũng nói rằng ông hiểu sự thất vọng của mọi người khi chờ đợi những thử nghiệm điều trị này, nhưng tin rằng NIH đã chờ đợi một cách thích hợp “cho đến khi một số manh mối về sinh học cơ bản xuất hiện”. Ông nói thêm rằng: “Mình phải có những mục tiêu.”