‘Làm cách nào viết để tồn tại’
Hai tác giả người Mỹ gốc Việt nổi tiếng Nguyễn Thanh Việt và Alexandra Huỳnh chia sẻ về quá trình viết sách và sáng tác thơ của họ trong buổi hội thảo trực tuyến “Làm cách nào viết để tồn tại” do Hiệp hội Nghệ sĩ Người Việt hải ngoại tổ chức cuối tháng 5 vừa qua.
Nguyễn Thanh Việt và Alexandra Huỳnh là những danh tài trong văn chương dòng chính tại Mỹ. Nguyễn Thanh Việt là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá Pulitzer văn chương. Alexandra Huỳnh Thuỵ An là nàng thơ trẻ thứ 5 của Mỹ được trao tặng danh dự Khôi nguyên Thi ca Quốc gia 2021, khi cô tròn 18 tuổi.
Tại buổi hội thảo, họ đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Mỹ gốc Việt và nhiều sắc dân khác qua những thổ lộ về những khó khăn và trăn trở cũng như thành công trên con đường văn học nghệ thuật mà họ đang đi.
Alexandra Huỳnh, Khôi nguyên Thi ca của Mỹ năm 2021
Alexandra, hiện 20 tuổi, sinh ra trong một gia đình Phật giáo với bốn anh em tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California. Alexandra là một trong hai chị em sinh đôi.
Từ lúc 7 tuổi, Alexandra Huỳnh, hay Huỳnh Thuỵ An, đã bắt đầu đọc sách và viết lời nhạc để bày tỏ cảm xúc và phản ảnh đúng với tâm trạng của cô.
“Tôi là con mọt sách,” Alexandra nói.
Dù được cả nước Mỹ công nhận là Khôi nguyên Thi ca trẻ năm 2021 lúc Alexandra còn đang học năm cuối cấp ba, nàng thơ người Mỹ gốc Việt này cho biết cô đã giấu gia đình về các sinh hoạt văn chương với các tổ chức thơ văn mãi cho đến khi cô lọt vào danh sách các thí sinh chung kết của cuộc thi Khôi nguyên Thi ca Mỹ năm 2020.
Những người Việt tị nạn tại Mỹ thường đem theo những gánh nặng của ký ức đau thương mà họ đã trải qua trong và sau chiến tranh Việt Nam. Tình cảm và ý thức của họ nhiều khi bộc lộ không đúng lúc đối với các thế hệ đi sau.
Alexandra kể: “Thỉnh thoảng cha mẹ của tôi tự nhiên cứ chia sẻ những câu chuyện vô cùng sâu sắc và đau thương, và thỉnh thoảng họ chia sẻ những câu chuyện đó vào những dịp đặc biệt.” Những dịp đặc biệt đó, cô nói, là vào ngày sinh nhật thứ 18 của Alexandra và cô em song sinh.
“Nên tôi không biết phải làm thế nào giải bày cảm xúc và thông hiểu hết, và thơ là cách mà tôi giải bày nỗi niềm đó. Và đó là cách tôi nói với mẹ tôi rằng, những gì bà đã trải qua là rất khó khăn, và bằng chứng bà đã vượt qua cũng là một điều đáng chúc mừng.”
Nguyễn Thanh Việt, nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận giải Pulitzer về văn chương
Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thanh Việt phản ảnh nhiều thực tế về người Mỹ gốc Á và người Mỹ thiểu số trong xã hội Mỹ, bao gồm người Mỹ gốc Việt. Dùng ngòi viết để làm công cụ đấu tranh cho các quyền lợi của người thiểu số ở Mỹ, ông tin rằng văn thơ là cách mà cha ông người Việt, theo lịch sử, cũng từng dùng để mưu cầu quyền lực và học thức.
Khi đời sống đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu về ăn mặc, ngủ nghỉ, và an toàn, thì điều tự nhiên tiếp theo con người mưu cầu là sự phát triển về mặc tinh thần. Văn chương là một trong những nguồn lực giúp cho con người thăng tiến và phát triển ý thức về sự mưu cầu hạnh phúc của họ.
Lằn ranh học thức và địa vị xã hội khiến các bậc phụ huynh gốc Việt luôn chú trọng vào các ngành nghề hướng tới sự nghiệp ổn định mà quên rằng thành công trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật tại Mỹ cũng vinh quang không kém.
Một điển hình là hãng phim truyền hình lớn của Mỹ, HBO, đang sản xuất một loạt phim từ tiểu thuyết “The Sympathizer” của Nguyễn Thanh Việt, với nam tài tử nổi tiếng Robert Downey Jr. và hãng phim A24 là hai nhà sản xuất chính của loạt phim truyền hình này.
Nhưng đây dường như chỉ là ‘phần thưởng phụ’ từ sự thành công trong nghiệp viết lách của Nguyễn Thanh Việt. Cái chính là ông đã đưa tiếng nói của một người Mỹ gốc Việt vào văn chương dòng chính Mỹ một cách thành công.
Hai tiểu thuyết “The Sympathizer”, “The Committed” và một tự truyện “A Man of Two Faces” cùng với nhiều truyện ngắn của ông đều tập trung vào các đề tài nóng bỏng của xã hội đương thời như danh tánh, thân phận, hậu quả chiến tranh, chính sách thuộc địa, kỳ thị chủng tộc, và đặc biệt là người tị nạn.