Page 1 of 1

Thiếu thuốc điều trị, bệnh nhân trông chờ ‘phép màu’

PostPosted: Thu Mar 09, 2023 5:34 pm
by NewsReporter
VOA - Health


“Ai vào viện lúc này thì chỉ có nước chết thôi hoặc đau đớn, khốn nạn hơn bình thường rất là nhiều. Mổ xong không có thuốc để điều trị, mà chỉ ốm thôi thì cũng không có thuốc điều trị luôn. Còn loại nhà giàu vào Vinmec chẳng hạn thì cứ cho là có thuốc đi nhưng lại đắt cắt cổ ra.” Đó là lời than thở của chị N.T.H, một phóng viên gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực thông tin y tế cho một cơ quan báo chí trung ương ở Hà Nội.


Bố ruột của chị H, nhờ các mối quan hệ và kinh tế khá giả, đang điều trị hậu phẫu thuật ung thư và chạy thận tại bệnh viện Vinmec hạng sang. Tuy nhiên, chị cho biết chi phí thuốc men, hoá chất thời gian gần đây tăng chóng mặt do tình trạng khan hiếm. Thậm chí nhiều khi có tiền cũng chưa chắc đã mua được thuốc bởi nhiều loại thuốc và hoá chất hiện bệnh viện còn phải để dành cho những ca mổ cấp cứu, chị nói. Tình hình sức khoẻ của bố chị ngày một xấu đi do không có thuốc men đầy đủ. Chị H cho hay đã tận dụng tất cả các mối quan hệ trong lĩnh vực y tế để lùng mua những thứ thuốc cần thiết và “chờ đợi vào phép màu”.


Anh N.T.T có mẹ bị chẩn đoán có khối u não giai đoạn 1. Anh và gia đình mong muốn bà được phẫu thuật sớm để loại bỏ dứt điểm những nguy cơ, nhưng dù đã đưa vào bệnh viện Việt Đức vài tuần nay, mẹ anh vẫn chưa được tiến hành phẫu thuật.


“Xếp hàng chờ mổ giờ cũng không được mổ cơ. Vì giờ bệnh viện chỉ mổ cấp cứu khẩn cấp thôi,” anh T than vãn. Cũng như chị H, anh T nói giờ anh chỉ còn biết trông chờ vào “phép màu” và đặt hy vọng các phương pháp điều trị khống chế để khối u của mẹ anh không phát triển thêm.


Là một phóng viên làm việc lâu năm về lĩnh vực y tế, chị H cho biết tình trạng thiếu trầm trọng thuốc men, hoá chất và cả các máy móc, thiết bị y tế tại Việt Nam hiện nay là do Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn dược phẩm, hoá chất, thiết bị y tế nhập khẩu. Trong khi đó, thời gian gần đây, Bộ Y tế trải qua nhiều biến động trong hệ thống lãnh đạo do chiến dịch “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


“Bộ Y tế thì bị bắt gần hết rồi còn gì nữa. Những người mới lên thì hôm nay mình vừa ngồi với một số người làm việc tại Bộ thì được biết là có tới 20 vị trí quản lý mới hiện nay xuất thân từ công tác Đảng, Đoàn trước đây. Thế thì làm gì được nữa? Thế mới chết đấy,” chị H nói với VOA Việt ngữ.


Anh N.H.N, một người có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu thuốc và thiết bị y tế độc quyền tại Hà Nội, cho VOA biết:


“Bây giờ người ta đập hết cả Bộ Y tế rồi, chả ai làm cả. Rồi cho một bà Bí thư Bắc Ninh lên làm tạm quyền, rồi khi doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy tờ lên bà ấy chả ký cái gì cả. Mà không ký thì theo quy trình thủ tục lại trình lên Thủ tướng. Thủ tướng lại đúng quy định xem xét một thời gian xong mới lại trả về cho Bộ Y tế để xây dựng quy trình. Như thế nên nói chung trình trạng như thế này sẽ còn lâu,” anh N chia sẻ.


Anh N cho biết thêm doanh nghiệp của anh giờ chỉ hoạt động cầm chừng, duy trì một số máy móc, thiết bị y tế đã đầu tư và ký hợp đồng với các bệnh viện tuyến cuối chứ không xây dựng thêm bất kỳ dự án nhập khẩu và cung cấp thiết bị y tế, thuốc men mới nào nữa. Bởi hiện tại, anh nói, có cố làm thì cũng không nhập được, mà nếu có “phép màu” nào cho công ty anh nhập được những thiết bị và thuốc men cần thiết thì lãnh đạo các bệnh viện cũng gần như hoàn toàn không dám ký hợp đồng hợp tác mới vì sợ soi xét, truy tìm sơ hở và sai phạm.


Báo nhà nước nói Bộ Y tế đã kiến nghị chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trầmtrọng tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc.


Riêng về việc đăng ký lưu hành trang thiết bị, Bộ đề nghị gia hạn thêm một năm hiệu lực của giấy phép đã cấp đến hết cuối năm nay để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế.