WHO: Không có bằng chứng vaccine COVID tăng nguy cơ đột quỵ
Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố không có bằng chứng cho thấy vaccine chống COVID theo cơ chế mRNA làm tăng nguy cơ đột quỵ nơi người lớn tuổi.
Các giới chức WHO nói quan ngại mà giới khoa học và truyền thông nêu ra về độ an toàn của các mũi tăng cường mRNA không có cơ sở.
Họ nói các mối lo ngại cho thấy sự sai lệch thông tin về những cái chết liên quan tới COVID. Các mối quan ngại đó liên quan tới một hệ thống dữ liệu của Mỹ giám sát về tính an toàn của vaccine.
Kate O’Brien, giám đốc của WHO về tiêm chủng, vaccine và sinh học, cho hay các hệ thống theo dõi an toàn vaccine khác trên toàn quốc và của Mỹ không tìm ra bằng chứng nào thêm rằng vaccine mRNA dẫn tới đột quỵ.
“Tại thời điểm này, bằng chứng tốt nhất là không có sự liên hệ thật sự nào giữa các mũi tăng cường của Pfizer nơi người cao tuổi với đột quỵ.”
Bà cho biết thêm hiện đang có một hệ thống tiếp diễn để liên tục giám sát độ an toàn, không chỉ với vaccine COVID từng liều một, mà còn đối với các vaccine khác.
Bà O’Brien nhấn mạnh vaccine COVID hiệu quả cao trong việc ngăn nhập viện, bệnh nặng hay tử vong nhưng ít hiệu quả hơn trong việc ngừa bị nhiễm và lây lan.
Bà lưu ý điều đặc biệt quan trọng là những ai trong nhóm ưu tiên cao phải chích đầy đủ các mũi tiêm được khuyến nghị. Trong đó có những người trên 60 tuổi, những người có bệnh nền, những người bệnh tự miễn, các thai phụ và các nhân viên y tế.
“Đối với các chủng đang luân chuyển trên thế giới hiện nay, chủng Omicron, thì liều tăng cường thứ nhất thật sự cải thiện loạt bảo vệ chủ yếu chống lại kết cục nghiêm trọng của căn bệnh,” bà O’Brien cho biết. “Cho nên, quý vị rất cần tiêm ba liều để đạt được sự bảo vệ tối ưu từ vaccine,” bà kêu gọi.
Vì hiện chưa có dữ liệu về việc liệu mũi tiêm cải tiến có hiệu quả hơn các mũi tiêm trước đây hay không, bà O’Brien nói WHO khuyến nghị cả hai loại để tiêm tăng cường.