2023: Cái giá của biến đổi khí hậu sẽ thách thức các quốc gi
Trong một năm được đánh dấu bằng lũ lụt, bão tố và hạn hán liên quan đến khí hậu, chính phủ và các công ty buộc phải xem xét kỹ hơn các rủi ro tài chính và trách nhiệm pháp lý.
Điều này thể hiện rõ ràng nhất tại hội nghị khí hậu của Liên hiệp quốc ở Ai Cập, nơi các quốc gia đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt để thành lập một quỹ giúp các nước nghèo đối phó với chi phí thảm họa do khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán COP27 tại Ai Cập không mấy giải quyết được nguyên nhân của những thảm họa đó - mức độ khí nhà kính ngày càng tăng trong khí quyển.
Tiến độ chậm chạp trong việc giải quyết biến đổi khí hậu đã khiến các quốc gia dễ bị tổn thương quyết tâm phê duyệt cái gọi là quỹ Tổn thất và Thiệt hại – sau một năm thiên tai thời tiết khắc nghiệt bao gồm các đợt nắng nóng kỷ lục từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, các sông băng sụp đổ ở Ấn Độ và Châu Âu, và hạn hán kéo dài đẩy hàng triệu người đến nạn đói ở Đông Phi.
Các công ty bảo hiểm ‘ngấm đòn’ khi năm 2022 xảy ra ba trong số những thảm họa tốn kém nhất trong thập kỷ - lũ lụt ‘đáng sợ’ gây thiệt hại 40 tỷ đô la cho Pakistan, một loạt đợt nắng nóng mùa hè chết người gây ra tổng thiệt hại hơn 10 tỷ đô la cho châu Âu và Bão Ian tàn phá hai tiểu bang Florida và South Carolina của Mỹ với thiệt hại 100 tỷ đô la, theo công ty mô hình hóa rủi ro RMS.
Quỹ Tổn thất và Thiệt hại cũng đánh dấu một cuộc đảo chính ngoại giao của các quốc gia nghèo, sau nhiều thập kỷ phản đối của Hoa Kỳ và Châu Âu vì lo ngại nó có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải lịch sử của mình. Nhưng các quốc gia đã đồng ý rằng quỹ sẽ rút tiền từ các tổ chức tài chính hiện có chứ không phải các quốc gia giàu có, làm giảm bớt những lo ngại về trách nhiệm pháp lý.
Tại sao biến đổi khí hậu quan trọng
Khi các nhóm giám sát chỉ trích các công ty không chịu tiết lộ mức độ mà biến đổi khí hậu đe dọa tài chính với họ như thế nào, các nhà đầu tư phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng cả về việc đi quá xa lẫn chưa đủ xa để giải quyết các rủi ro khí hậu.
Bà Katharine Hayhoe, một nhà khí hậu học người Canada và là khoa học gia trưởng tại Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, nói: “Có một số đang lừa dối khách hàng vì quảng cáo thân thiện với môi trường nhưng thực tế không phải vậy.”
Bà Hayhoe và những người khác cảnh báo về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích. Một số nhà hoạt động phê phán họ về việc đi máy bay tới dự các hội nghị hay tiêu thụ thịt tại các hội nghị.
Tại một số thời điểm, người biểu tình ném súp và sơn cùng một số hình thức biểu tình khác kể cả tự dán mình.
“Tôi hiểu rồi,” bà Hayhoe nói. “Đó là một phản ứng tâm lý đối với nỗi sợ hãi thực sự mà mọi người cảm thấy khi họ bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này.”
Những người khác tìm cách đưa sự bất bình của họ ra tòa. Tính đến hôm nay, có 2.176 vụ kiện liên quan đến khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có 654 vụ được đệ trình tại các phòng xử án của Hoa Kỳ, theo Trung tâm Luật Biến đổi Khí hậu Sabin tại Đại học Columbia.
Và các nhà khoa học và kinh tế học đang đạt được những bước tiến xa hơn trong việc tính toán chính xác mức độ mà hoạt động của một quốc gia có thể đã góp phần vào biến đổi khí hậu – và những thảm họa cụ thể. Dòng lập luận này, được gọi là “khoa học quy kết khí hậu”, đã được đưa vào nhiều phòng xử án hơn.
Ông Michael Burger, giám đốc điều hành của Trung tâm Sabin, cho biết: “Cho đến nay, đó là cuộc chiến của các chuyên gia trên giấy tờ.” “Những gì chúng tôi chưa thấy là một phiên xử thực tế” đưa ra bằng chứng về việc quy một phần trăm nghĩa vụ nhất định cho một công ty hoặc quốc gia gây ô nhiễm khí hậu.
Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, các chuyên gia nói.
Biến đổi khí hậu có ý nghĩa gì cho năm 2023?
Trong năm mới, công chúng sẽ có nhiều lo lắng hơn khi biến đổi khí hậu tiếp tục leo thang – và nhiều lo lắng hơn giữa các công ty và chính phủ về trách nhiệm và rủi ro.
Các công ty và nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với áp lực phải chống chọi với biến đổi khí hậu đối với chuỗi cung ứng và hoạt động của họ.
Các phòng xử án sẽ chứng kiến nhiều vụ án khí hậu hơn được đệ trình - tập trung cả vào việc thách thức chính phủ các nước tăng cường tham vọng chính sách khí hậu của họ và buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về khí thải hoặc các hành vi gian dối của họ.
Vào cuối năm, các quốc gia sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo của Liên hiệp quốc, COP28, tại Dubai. Và họ sẽ chịu thêm áp lực để thấy rằng lượng khí thải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 và bằng zero vào năm 2050 là con đường duy nhất để kèm sự hâm nóng toàn cầu trong vòng 1,5 độ C.