Hai thành phố Trung Quốc nới lỏng quy định COVID sau làn són
Hai thành phố lớn của Trung Quốc là Quảng Châu và Trùng Khánh ngày 30/11 tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID, một ngày sau khi người biểu tình ở miền nam Quảng Châu đụng độ với cảnh sát trong một loạt các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trên thế giới đối với virus corona.
Các cuộc biểu tình, lan rộng vào cuối tuần qua đến Thượng Hải, Bắc Kinh và các nơi khác, đã trở thành một màn thách thức của công chúng chưa từng có kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.
Một quan chức thành phố cho biết, thành phố Trùng Khánh sẽ cho phép những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 mà đáp ứng một số điều kiện nhất định, được cách ly tại nhà.
Quảng Châu, gần Hong Kong, cũng loan báo nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhưng với số ca nhiễm kỷ lục trên toàn quốc, dường như có rất ít triển vọng về một sự thay đổi lớn trong chính sách “zero-COVID” mà ông Tập nói là cứu mạng người và đã tuyên bố là một thành tựu chính trị của mình.
Một số người biểu tình và chuyên gia an ninh nước ngoài tin rằng cái chết hôm 30/11 của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người đã lãnh đạo đất nước trong một thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, có thể trở thành một điểm tập hợp biểu tình mới sau ba năm đại dịch.
Khi loan báo về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở một số khu vực của Quảng Châu, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng lây nhiễm gần đây, chính quyền không hề đề cập đến các cuộc biểu tình. Quận nơi bùng phát bạo lực hôm 29/11 vẫn đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Một video về những cuộc đụng độ được đăng trên Twitter cho thấy hàng chục cảnh sát chống bạo động mặc đồ bảo hộ màu trắng và che khiên trên đầu, tiến lên theo đội hình, vượt qua những thứ dường như là hàng rào phong tỏa bị đạp đổ trong lúc dân ném đồ về phía họ.
Cảnh sát sau đó được nhìn thấy áp giải một hàng người bị còng tay.
Một video khác cho thấy mọi người ném đồ vào cảnh sát, trong khi video thứ ba cho thấy một lựu đạn cay rơi xuống một đám đông trên một con phố hẹp, khiến mọi người phải bỏ chạy.
Reuters đã xác minh rằng các video được quay ở quận Hải Châu của Quảng Châu, nơi diễn ra tình trạng bất ổn liên quan đến COVID hai tuần trước, nhưng không thể xác định thời điểm các clip được quay hoặc trình tự chính xác của các sự kiện và điều gì đã gây ra các cuộc đụng độ.
Các bài đăng trên mạng xã hội cho biết các vụ đụng độ diễn ra vào tối ngày 29/11 và do tranh chấp về các biện pháp phong tỏa.
Chính quyền Quảng Châu không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Theo dõi Bất đồng chính kiến Trung Quốc, được điều hành bởi Freedom House do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, ước tính có ít nhất 27 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc từ ngày 26/11 đến 28/11. Tổ chức nghiên cứu ASPI của Úc ước tính có 43 cuộc biểu tình ở 22 thành phố.
Nới lỏng hạn chế
Cùng với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế ở Quảng Châu và Trùng Khánh, các quan chức ở Trịnh Châu, nơi có nhà máy lớn của Foxconn sản xuất iPhone cho Apple và đã nổ ra cuộc phản kháng của công nhân vì COVID, tuyên bố cho mở lại hoạt động kinh doanh “có trật tự”, bao gồm siêu thị, phòng tập thể dục và nhà hàng.
Các quan chức y tế quốc gia trước đó cho biết Trung Quốc sẽ đáp ứng “những lo ngại khẩn cấp” do công chúng nêu ra và các quy tắc COVID nên được thực hiện linh hoạt hơn, tùy theo điều kiện của từng khu vực.
Nhưng trong lúc nới lỏng một số biện pháp dường như để xoa dịu công chúng, chính quyền cũng đã bắt đầu truy tìm những người đã tham gia các cuộc biểu tình.
“Cảnh sát đến trước cửa nhà tôi để hỏi tôi về tất cả và yêu cầu tôi hoàn tất biên bản,” một cư dân Bắc Kinh giấu tên nói với Reuters ngày 30/11.
Một cư dân khác cho biết một số người bạn đăng video biểu tình lên mạng xã hội đã bị đưa về đồn công an và buộc ký cam kết “không tái phạm”.
Một số người đã kể các câu chuyện tương tự cho Reuters vào ngày 29/11.
Không rõ làm thế nào nhà chức trách xác định được những người họ muốn thẩm vấn, cũng như chính quyền đã liên lạc với bao nhiêu người như vậy.
Văn phòng Công an Bắc Kinh không bình luận.
Trong một tuyên bố không nhắc tới các cuộc biểu tình, cơ quan hàng đầu của Đảng Cộng sản phụ trách các cơ quan thực thi pháp luật cho biết hôm 29/11 rằng Trung Quốc sẽ trấn áp “các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch.”
Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương cũng cho biết “các hành vi phạm pháp và tội phạm gây rối trật tự xã hội” sẽ không được dung thứ.
Bộ Ngoại giao nói các quyền và tự do phải được thực hành một cách hợp pháp.
COVID đã lan rộng mặc dù Trung Quốc phần lớn tự cô lập mình với thế giới và yêu cầu hàng trăm triệu người phải hy sinh để tuân thủ xét nghiệm liên tục và cách ly không ngừng.
Mặc dù số ca nhiễm và tử vong thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc mở cửa trở lại trước khi tăng tỷ lệ tiêm chủng có thể dẫn đến bệnh tật và tử vong trên diện rộng.
Việc phong tỏa của Trung Quốc đã cản trở nền kinh tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chao đảo thị trường tài chính.
Dữ liệu vào ngày 30/11 cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 11 đạt mức thấp nhất kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa hai tháng, bắt đầu vào tháng Tư.