Page 1 of 1

Khí hậu đã thay đổi đến mức nào?

PostPosted: Mon Oct 17, 2022 5:11 pm
by NewsReporter
VOA - Health


Hạn hán không ngừng ở Trung Quốc, Đông Phi, miền Tây Hoa Kỳ và bắc Mexico, lũ lụt tàn phá ở Pakistan và Kentucky, những đợt nắng nóng kinh hoàng ở châu Âu và Tây Bắc Thái Bình Dương, lốc xoáy hủy diệt ở miền nam châu Phi và những trận cuồng phong dữ dội ở Hoa Kỳ và Trung Mỹ là một số các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây mà các nhà khoa học từ lâu dự đoán sẽ khốc liệt hơn khi khí hậu ấm lên.


Bà Elizabeth Robinson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Grantham ở London, nói: “Chỉ ấm lên hơn một độ kể từ thời tiền công nghiệp, chúng ta đã thấy nhiều kiểu thời tiết cực đoan hơn.”


Các nhà khoa học đã theo dõi chính xác mức độ khí hậu đã thay đổi do hoạt động của con người. Nhiệt độ trên khắp thế giới đang nhích dần lên.


Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày nay, vốn có xu hướng được so sánh với các ước tính thời kỳ tiền công nghiệp khởi đầu với việc đốt cháy hàng loạt nhiên liệu hóa thạch, đã tăng phần lớn từ 0,9 đến 1,2 độ C kể từ năm 1850 do hoạt động của con người, theo ước tính trong báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC. Hầu hết xảy ra từ năm 1975 trở đi, với tốc độ từ 0,15 độ C đến 0,2 độ C mỗi thập niên.


Đa số mọi người đang sống trong các khu vực nóng hơn mức trung bình toàn cầu, “một phần là đô thị hóa - mọi người chuyển đến các thành phố, những hòn đảo nhiệt đô thị - và một phần dân số đang tăng lên,” bà Robinson nói. Các khu vực đô thị, với nhiều cơ sở hạ tầng hấp thụ nhiệt như đường sá tới các tòa nhà, ít cây che mát hơn, trở thành những “hòn đảo” của thời tiết ấm hơn.


Mực nước biển cũng đang dâng cao nhanh chóng hơn, vốn đã dâng lên do trái đất tăng nhiệt, do các đại dương mở rộng và sự tan chảy của băng. Trong thế kỷ 20, nước biển dâng lên khoảng 1,4 mm một năm, nhưng con số đó đã tăng gấp đôi lên 3,6 mm một năm trong 15 năm qua, dữ liệu cho thấy. Theo ước tính, nước biển đã tăng trung bình khoảng 21 đến 24 cm kể từ năm 1880. IPCC dự báo con số này có thể sẽ lên tới 43 đến 84 cm vào năm 2100.


Trong khi khí hậu và nhiệt độ toàn cầu dao động trong suốt lịch sử Trái đất, thì tốc độ thay đổi là điều đáng báo động nhất đối với các nhà nghiên cứu. Nhiên liệu hóa thạch - được tạo thành từ các loài động thực vật cổ phân hủy sâu trong lòng đất - đã được đào lên với tốc độ phi thường. Nhà khoa học khí hậu Kim Cobb của Đại học Brown cho biết hiện các nhà khoa học đang bắt đầu xác định “chi tiết về tốc độ, cường độ và thời gian thay đổi” cũng như tác động khác nhau đối với các khu vực.


Với việc hành tinh phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với các hiểm họa là cách chính để con người có thể hạn chế thiệt hại. Các nhà khoa học cho biết các ca tử vong do thiên tai liên quan đến thời tiết đang có xu hướng thấp hơn trên toàn cầu khi các dự báo, khả năng chuẩn bị và khả năng phục hồi được cải thiện.


Bà Robinson nói: “Mức độ mà con người bị tổn hại bởi một sự kiện thời tiết cực đoan bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các chính sách của chính phủ,” nhưng bà lưu ý thêm rằng sự thích nghi cũng có giới hạn.