Sắp có thuốc ngừa HIV giá rẻ

PostThu Jul 28, 2022 6:14 pm

VOA - Health


Hãng dược phẩm GSK của Anh ký thỏa thuận cho phép các phiên bản gốc giá rẻ của thuốc ngừa HIV có tác dụng lâu dài của hãng được sử dụng ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Tiểu vùng Sahara châu Phi, nơi virus này vẫn còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.


Mỗi năm, có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm HIV được ghi nhận trên toàn cầu, hầu hết đều xảy ra ở các quốc gia hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng nhiều tới phụ nữ và các em gái vị thành niên.


Thỏa thuận bao gồm GSK tự nguyện cấp giấy phép (để không nảy sinh vấn đề sở hữu trí tuệ) cho MPP, Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc, một cơ quan do Liên hiệp quốc hậu thuẫn.


Sau đó, MPP cho phép các nhà sản xuất thuốc gốc nộp đơn xin làm ra các phiên bản sao chép của loại thuốc tiêm, cabotegravir, cho 90 quốc gia chiếm 70% tổng số ca nhiễm HIV trong năm 2020.


Thuốc uống điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một cách hiệu quả để người có nguy cơ nhiễm HIV giảm rủi ro bị bệnh. Nhưng cho đến gần đây, PrEP chỉ có ở dạng thuốc viên, uống hàng ngày, hoặc trong một số trường hợp, trước và sau khi quan hệ tình dục.


Đây là một phần lý do tại sao chỉ một phần nhỏ số người trên toàn cầu đang sử dụng thuốc này, nhất là các nước nghèo càng ít sử dụng hơn.


Sản phẩm của GSK là lựa chọn đầu tiên không phải thuốc viên, cung cấp tới hai tháng bảo vệ chống lại nhiễm virus thông qua một lần tiêm bắp thịt duy nhất và các nghiên cứu cho thấy nó thậm chí còn vượt trội hơn so với hiệu quả của thuốc viên.


Thuốc đã được Hoa Kỳ chấp thuận vào cuối năm ngoái và Tổ chức Y tế Thế giới hôm 28/7 cũng ủng hộ việc sử dụng thuốc để giúp đẩy nhanh nỗ lực biến thuốc tiêm cabotegravir trở thành một phần của kho công cụ phòng chống HIV toàn cầu.


Các nhà vận động kêu gọi loại thuốc này được cung cấp nhanh chóng, rộng rãi và rẻ nhất có thể, lo ngại sự lặp lại của những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi các nước nghèo không thể kham nổi chi phí điều trị HIV trong nhiều năm.


Vì vậy, thuốc cabotegravir dạng tiêm cần phải được cơ quan quản lý ở mỗi quốc gia cho phép sử dụng. Các nhà sản xuất thuốc gốc cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn MPP và các quy định bắt buộc.


Với những yếu tố đó, thuốc gốc đầu tiên có khả năng tới năm 2026 mới xuất hiện, theo bà Deborah Waterhouse, Giám đốc phân bộ HIV của GSK.


Tạm thời, GSK đang làm việc để cung cấp cho các chính phủ chế độ miễn phí để thực hiện các nghiên cứu nhằm hiểu cách tốt nhất để triển khai sản phẩm.


Một phác đồ sáu liều tiêm cabotegravir được bán với giá 22.000 đô la mỗi năm ở Hoa Kỳ - bằng với giá của phác đồ PrEP thuốc viên của Gilead, bà Waterhouse nói.


Sau khi những nghiên cứu đó được thực hiện, một đợt tiêm cabotegravir hàng năm sẽ khiến chính phủ tiêu tốn ‘hàng trăm đô la’ cho mỗi người, thay vì hàng nghìn, bà Waterhouse cho biết thêm.


Vẫn theo lời bà, giá đó đã bao gồm chi phí nguyên liệu, nhân công và điện, ‘không có lợi nhuận.’


Phó giám đốc điều hành UNAIDS Matthew Kavanagh cho biết, nếu mức giá ‘phi lợi nhuận’ là hàng trăm đô la một năm, thì khó có khả năng chính phủ các nước nghèo và các cơ quan tài trợ y tế như Quỹ Toàn cầu có thể chi trả được.


Nhưng nếu dưới 100 đô la hay gần 60 đô la, thì thuốc có thể giúp thay đổi cục diện, ông nói thêm.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 851 guests

cron