WHO: Còn quá sớm để xem COVID như cúm
Biến thể Omicron đang trên đà gây nhiễm bệnh cho hơn phân nửa châu Âu, nhưng chưa tới lúc nên xem COVID như là một bệnh dịch địa phương đặc hữu như bệnh cúm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo ngày 11/1.
Trong tuần lễ đầu năm 2022, châu Âu chứng kiến hơn 7 triệu ca nhiễm mới, giám đốc châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, cho biết tại một cuộc họp báo.
“Với đà này, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế dự báo hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong 6 đến 8 tuần tới,” ông Kluge nói, nhắc đến một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Washington.
50 trong số 53 nước tại châu Âu và Trung Á đã có nhiều ca nhiễm Omicron, ông Kluge nói.
Tuy nhiên, xuất hiện bằng chứng cho thấy Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp phía trên nhiều hơn là phổi, gây nên các triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đây. Tuy nhiên WHO cẩn trọng nói rằng cần nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa để chứng minh việc này.
Hôm 10/1, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, nói đã tới lúc thay đổi cách thức theo dõi tiến hóa của COVID thay vì dùng phương pháp tương tự như bệnh cúm.
Điều này nghĩa là xem COVID như là một bệnh dịch địa phương thay vì đại dịch, không ghi nhận từng ca và không xét nghiệm tất cả mọi người có triệu chứng.
Tuy nhiên, giới chức cao cấp về khẩn cấp của WHO tại châu Âu, bà Catherine Smallwood, cảnh báo chớ vội và nói thêm rằng bệnh dịch địa phương đòi hỏi một sự lây lan ổn định và đoán trước được.
“Chúng ta vẫn có nhiều điều chưa biết chắc trước một virus đang tiến hóa quá nhanh, đặt ra những thách thức mới. Chúng ta chắc chắn chưa tới lúc có thể xem đây là bệnh dịch địa phương,” bà Smallwood nói.
“COVID-19 theo thời gian có thể trở thành bệnh dịch địa phương, nhưng lúc này đây hơi khó để cho rằng việc này xảy ra trong năm 2022.”