Nghiên cứu: Tế bào T có từ cảm cúm bảo vệ chúng ta trước COV
Mức tế bào T cao do cảm cúm thông thường tạo ra có thể bảo vệ chúng ta trước COVID, theo phát hiện từ một cuộc nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London đăng tải ngày 10/1.
Miễn nhiễm chống COVID-19 là một bức tranh phức tạp, và trong khi có bằng chứng cho thấy mức kháng thể phai dần 6 tháng sau khi tiêm chủng, tế bào T cũng được biết là đóng một vai trò thiết yếu trong việc cung cấp sự bảo vệ.
Cuộc nghiên cứu, bắt đầu vào tháng 9/2020, xem xét các mức phản ứng qua lại của tế bào T phát sinh do bệnh cúm thông thường nơi 52 người tiếp xúc các ca COVID dương tính ngay sau khi họ phơi nhiễm để xem họ có bị nhiễm COVID hay không.
Cuộc nghiên cứu phát hiện là 26 người không bị nhiễm có mức tế bào T cao đáng kể so với những người bị nhiễm. Cuộc nghiên cứu không nói sự bảo vệ của tế bào T kéo dài bao lâu.
“Chúng tôi phát hiện là mức cao của tế bào T tồn tại trước đó, do cơ thể tạo ra khi bị nhiễm các loại virus corona khác như cảm cúm thông thường, có thể bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19, tác giả cuộc nghiên cứu, bác sĩ Rhia Kundu, nói.
Các tác giả cuộc nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Communications, nói chất protein bên trong của virus SARS-CoV-2, vốn bị tế bào T nhắm mục tiêu, có thể trở thành mục tiêu mà các nhà sản xuất vaccine sẽ nhắm vào.
Các vaccine COVID-19 hiện nay nhắm vào gai protein. Gai protein này đột biến thường xuyên, tạo nên những biến thể như Omicron khiến vaccine kém hiệu quả.
“Ngược lại, các protein bên trong bị những tế bào T nhắm mục tiêu thì ít đột biến hơn,” giáo sư Ajit Lalvani, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, nói.
“Kết quả là, chúng được bảo tồn cao giữa những biến thể khác nhau của SARS-CoV-2, kể cả Omicron. Những vaccine mới có chứa những protein đó, vì vậy, sẽ tạo ra đáp ứng của các tế bào T mang tính bảo vệ một cách rộng rãi chống lại những biến thể SARS-CoV-2 hiện nay và trong tương lai.”