Tâm sự của những người bố, người mẹ có con Thủ Khoa, Á Khoa
“Đẻ đứa con nó đáng đồng tiền gì đâu!” Ông bà Vinh Nguyễn, 52 tuổi và Faith Nguyễn, 47 tuổi, nói với VOA Tiếng việt về con gái út, Nina Yến Nhi Nguyễn, 18 tuổi, khi em vừa đạt danh hiệu thủ khoa 2021, trường trung học Rancho Alamitos, thành phố Garden Grove, California.
Lời nói mộc mạc tràn ngập với niềm hãnh diện khôn tả, xuất phát từ tấm lòng thương con nhiều hơn là danh hiệu thủ khoa mà Yến Nhi đạt được.
Vừa sụt sịt khóc, bà Faith vừa nói, “Hai vợ chồng qua [Mỹ] cũng đã hơi lớn tuổi, nên học vấn trình độ cũng không có bằng cấp gì, tiếng Anh cũng bập bẹ vậy thôi, cho nên cháu tự học. Từ lúc 6 tuổi, cháu chưa học thêm một buổi nào hết. Mà bố mẹ cũng không giúp gì được, vì bố mẹ có biết gì đâu mà giúp.”
Gia đình ông bà Vinh và Faith định cư tại Mỹ lúc Yến Nhi 5 tuổi. Theo lời Yến Nhi kể, lúc mới qua gia đình phải ở nhờ người quen, phải di chuyển nhiều lần, và em thực sự cảm nhận được khó khăn của bố mẹ từ lúc còn nhỏ. Chính điều này là động lực thúc đẩy em cố gắng học.
“Giáo dục là cách nhanh nhất để em thoát được vòng nghèo khổ,” Yến Nhi tâm sự với VOA Tiếng Việt. “Em cũng muốn bố mẹ có những ngày hưu trí an nhàn.”
Những năm đầu tiên
Khác với bố mẹ của Yến Nhi, cả bố và mẹ của Celine Nguyễn, á khoa trường Rancho Alamitos, ông bà Nhơn Nguyễn, 52 tuổi, và Amy Phạm, 45 tuổi, đều có bằng đại học và được cho là một gia đình trung lưu. Họ cho rằng “trung học chỉ là bước đầu của con đường học vấn.” Quan trọng hơn là những quyết định của con mình ở cấp đại học.
Ông Nhơn vượt biên tới Mỹ lúc 11 tuổi, tạm cư ở tiểu bang Minnesota trước khi hướng về miền Tây nước Mỹ và định cư tại California. Bà Amy qua Mỹ diện H.O. Hai ông bà sanh Celine Nguyễn tại bệnh viện Fountain Valley, một nơi rất quen thuộc với cư dân gốc Việt vùng Little Saigon.
Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình của Yến Nhi và Celine khác nhau, nhưng cả hai đều được cha mẹ nung nấu hiểu biết rằng chỉ có giáo dục mới có thể tiến thân. Năm đầu tiên tại trung học, hai cô bé là bạn học cạnh tranh với nhau, nhưng sau lại trở thành đôi bạn thân. Cô nhất, cô nhì, cô này tiếp lời cô kia và dường như họ… rất hiểu nhau.
“Lúc nhỏ cháu đã có ước mơ thành một bác sĩ vì thấy gương từ chú của cháu,” bà Amy tâm sự. Em trai của ông Nhơn là một bác sĩ giải phẫu mạch máu (vascular surgeon) và tạm trú nhà ông bà Nhơn trong lúc thực tập y khoa và cũng là lúc Celine còn 4, 5 tuổi. Nên từ nhỏ Celine đã được tiếp xúc với những hình ảnh ngôn từ quen thuộc của y học.
“Hồi xưa tôi qua đây lúc 11 tuổi, chỉ có một mình. Tôi có nói với cháu, ‘hồi đó lúc middle school, daddy chỉ biết đọc sách Dr. Seuss thôi, lớp sáu mà chỉ biết đọc sách đó thôi. Còn con là sanh đẻ ở đây, tương lai rộng mở hơn, có nhiều cơ hội cho con, cho nên con phải có chí để thành đạt. Nếu mà không có ước mơ, con chỉ chạy vòng vòng mà thôi,’” ông Nhơn thổ lộ với VOA Tiếng Việt về những điều ông nói với con lúc nhỏ.
Theo nguyên cứu của các nhà nguyên cứu thế hệ học, mỗi thế hệ có những đặc điểm, ưu tư và khó khăn riêng. Thế hệ đi sau sẽ học hỏi từ những lỗi lầm và từ kinh nghiệm của những thế hệ đi trước nếu có cơ hội tiếp xúc và học hỏi. Có thể Celine không trực tiếp chính mắt thấy cái nguy hiểm của sự vượt biên của bố hoặc biết được nỗi sợ hãi của những người đi trại cải tạo bên gia đình của mẹ, nhưng em cảm nhận được cảm giác lo sợ của bố mẹ và muốn làm điều gì đó để giúp đỡ tinh thần cho những người xung quanh.
“Lúc đại dịch bắt đầu, em thành lập một tổ chức dành cho sức khỏe tâm lý, vì em nhận ra rằng có một sự xói mòn về sức khỏe tâm lý trong cộng đồng, và tâm lý của chính em lúc đó cũng không được tốt lắm,” Celine nói với VOA Tiếng Việt. “Đối với cha mẹ gốc Châu Á, họ nghĩ sức khỏe tâm lý là điều gì đó không bình thường.”
Yến Nhi gật đầu đồng ý với Celine.
Như vậy, có phải những người định cư ở Mỹ sau này như bố mẹ của Yến Nhi có phần nào đó may mắn hơn chăng?
“Lúc mới qua, chúng tôi cũng may mắn là có anh chị bên đây cũng lâu, có bạn bè bà con hướng dẫn đường đi nước bước nên không lạc lõng cho lắm, luôn có những người hỗ trợ nâng đỡ,” bà Faith nói với VOA Tiếng Việt.
Khi vai trò bố mẹ con cái bị đảo ngược
Về tài chánh, có thể bố mẹ của Yến Nhi có phần khó khăn hơn vì hai ông bà định cư ở Mỹ lúc lớn tuổi, thời gian làm việc, học hỏi và hội nhập vào văn hóa Mỹ không nhiều. Hai ông bà Faith và Vinh Nguyễn có thể cực nhọc về thể xác nhưng về sức khỏe tâm lý, họ mãn nguyện và hạnh phúc với những thành quả mà con gái đạt được ở học đường.
“Đối với chúng tôi, giới lao động bình dân thôi, mà con được như vậy là khóc thôi, khóc vui mừng. Đi làm, những người làm chung, họ cứ hỏi là tôi ngồi tôi khóc,” bà Faith tiết lộ.
Ở nhà, Yến Nhi là con út nhỏ nhất trong nhà nhưng theo lời kể của hai ông bà Vinh, cô bé dường như là người nắm tài chánh cũng như quyết định mọi chi tiêu trong gia đình.
“Cái income (thu nhập) nhà này “chỉ” biết hết, chỉ quản lý, chỉ chi hết, nên chỉ muốn xin cái gì thì cũng trong cái phạm vi của gia đình nên mình cũng không biết là nó muốn cái gì nữa,” ông Vinh tâm sự với VOA Tiếng Việt.
“Cháu là người 'take care,' trả tiền bill, tiền nhà, tiền cửa, cháu lo hết, từ lúc lên trung học,” bà Faith tiếp lời chồng. “Tôi đang lo và nói đùa với nó, ‘Trời ơi, con cứ lo cho bố mẹ vậy, mai mốt con đi rồi ai lo cho bố mẹ.’”
Trong một gia đình di dân khi con cái và bố mẹ được đưa vào một hoàn cảnh mới, khác xa với những gì họ đã biết, thế hệ đi sau sẽ học hỏi rất nhanh vì tuổi còn nhỏ, khả năng tiếp thu kiến thức và ngôn ngữ vượt xa thế hệ cha mẹ. Và vì cuộc sống và hoàn cảnh gia đình, vai trò cha mẹ và con cái tự dưng đảo ngược. Con cái đang tuổi học hỏi cha mẹ để đi trên đường đời thì chính cha mẹ lại là người nhờ vả con cái để thích nghi với cuộc sống mới. Với truyền thống “kính trên nhường dưới” của văn hóa Việt Nam, hoàn cảnh như gia đình ông Vinh khiến không ít người Mỹ gốc Việt phải băn khoăn.
Tuy nhiên, trong khó khăn đó, gia đình lại bộc lộ được sự gắn bó và yêu thương lẫn nhau. Các bậc phụ huynh, Vinh – Faith; Nhơn – Amy, chia sẻ những điều họ muốn nói với các con mình, trước ngưỡng cửa vào đời của các con:
Ông Vinh: “Con gái, bố mẹ lúc nào cũng ở sau lưng con.”
Bà Faith: “Giàu có cao sang ai cũng muốn nhưng nếu mình làm gì mà mình cảm thấy mình đúng và cảm thấy thoải mái với lương tâm thì mình làm thôi.”
Ông Nhơn: “Không có chuyện gì thất vọng đến nỗi mình phải tự kết thúc. Hãy thử, và nếu điều đó tạo ra quá nhiều căng thẳng cho con, mà con sợ bố mẹ không vui, thì con đừng nghĩ như vậy. Đừng lo gì hết.”
Bà Amy: “Khi con ra đời và nếu con có khó khăn, việc đầu tiên là con nên nghĩ trở về nhà. Lúc nào mẹ và ba cũng dang hai tay đón con. Hãy nhớ là gia đình lúc nào cũng thương yêu con.”