Tìm hiểu bệnh nấm đen đang tấn công bệnh nhân COVID ở Ấn Độ
Việc gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm bệnh vì một loại nấm đặc biệt có tên là nấm đen làm gia tăng những khó khăn mà hệ thống y tế Ấn Độ phải đối mặt trong lúc đang gánh chịu đợt dịch thứ nhì.
Nấm đen là gì?
Đây là căn bệnh nhiễm trùng nấm làm cho mũi bệnh nhân bị sậm đen hay mất màu, thị lực mờ ảo, đau ngực, khó thở và ho ra máu.
Bệnh này có liên hệ mật thiết với tiểu đường và các điều kiện làm yếu hệ miễn nhiễm. Các chuyên gia nói việc sử dụng quá liều một vài thứ thuốc đè nén hệ miễn dịch trong đại dịch COVID-19 có thể gây nên tình trạng bệnh nấm đen gia tăng.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy bệnh nấm đen có tỉ lệ tử vong là 54%. Tỉ lệ tử vong này thay đổi tùy theo tình trạng của bệnh nhân và phần thân thể bị ảnh hưởng.
Các tiểu bang tại Ấn Độ báo cáo hơn 5.000 ca bệnh nấm đen trong mấy tuần gần đây, hầu hết nơi những người nhiễm COVID-19 hay đang phục hồi từ bệnh này.
Bệnh nấm đen có truyền nhiễm không?
Bệnh này không truyền nhiễm, có nghĩa là bệnh không lây lan do tiếp xúc. Nhưng bệnh lây lan từ những bào tử nấm hiện diện trong không khí hay trong môi trường, hầu như khó tránh khỏi.
“Vi khuẩn và nấm mốc có sẵn trong cơ thể chúng ta, nhưng bị hệ thống miễn dịch của cơ thể khống chế,” ông K Bhujang Shetty, người đứng đầu bệnh viện Narayana Nethralaya nói. “Khi hệ thống miễn dịch suy sụp vì chữa trị ung thư, bệnh tiểu đường hay sử dụng chất steroid, thì những sinh vật này lớn mạnh và sinh sôi nảy nở,” ông Setty cho hay.
Nguyên do
COVID-19 liên hệ với một loạt các lây nhiễm vi khuẩn và nấm mốc khác, nhưng các chuyên gia nói làn sóng dịch COVID lần hai tại Ấn Độ đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho nấm đen.
Oxy thấp, tiểu đường, mức sắt cao, đè nén miễn dịch, cộng thêm một vài yếu tố khác trong đó có nằm viện kéo dài với máy thở tạo thành một khung cảnh thích hợp để lây nhiễm nấm đen, các nhà nghiên cứu trình bày trên tạp chí Diabetes & Metabolic Syndrome: Clinical Research & Reviews.