Page 1 of 1

Tại sao luôn luôn xảy ra xung đột tại Gaza?

PostPosted: Fri May 14, 2021 5:39 pm
by NewsReporter
VOA - Health


Dải Gaza vào tuần này bị Israel pháo kích, không kích cả trăm lần từ biển, từ đất liền và trên không, trong khi các phần tử hiếu chiến Hamas cai trị tại vùng đất bị vây hãm này bắn hàng trăm rốc-kết vào Israel.


Đây là vòng thứ tư của cuộc xung đột lớn giữa Israel và Hamas kể từ năm 2008, với khu đất nhỏ bé với hơn 2 triệu dân Palestin gánh chịu chết chóc và hủy hoại.


Vụ bạo động bùng phát mới nhất này đã nêu lên viễn ảnh của một cuộc chiến tranh tàn hại khác và một lần nữa lôi kéo sự chú ý của quốc tế về một dải đất đông dân cư, nhưng nghèo khổ.


Sau đây là một cái nhìn về Dải Gaza và vai trò của vùng đất này trong cuộc xung đột tại Trung Đông.


Một dải đất hẹp dọc bờ biển


Gaza, nằm kẹp giữa Israel và Ai Cập, chỉ dài 40 km và rộng 10 km. Dải đất này là một phần đất Ủy trị Palestine do Anh cai trị trước cuộc chiến năm 1948 chung quanh việc thành lập quốc gia Israel, khi đặt dưới sự kiểm soát của Ai Cập.


Đa số những người Palestine vượt thoát hay bị đẩy ra khỏi vùng đất nay là Israel đều đến Gaza, và người tị nạn và con cháu họ hiện chiếm khoảng 1,4 triệu người, hơn một nửa dân số Gaza.


Israel chiếm Gaza, cùng với Bờ Tây và Đông Jerusalem trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Người Palestine muốn tất cả ba lãnh thổ này để thành lập quốc gia trong tương lai của họ.


Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine hay còn gọi là intifada bùng phát tại Gaza vào năm 1987-cùng năm Hamas được thành lập—và sau đó lan sang các lãnh thổ bị chiếm đóng khác. Tiến trình hòa bình Oslo vào những năm 1990 thành lập Thẩm quyền Palestine và ban cho quyền tự trị hạn chế tại Gaza và một phần Bờ Tây bị chiếm đóng.


Hamas chiếm quyền


Israel rút quân và những vùng định cư của người Do Thái khỏi Gaza vào năm 2005, sau cuộc nổi dậy intifada lần thứ hai và bạo động hơn. Năm kế tiếp Hamas thắng áp đảo trong những cuộc bầu cử tại Palestine. Việc này gây nên cuộc tranh chấp quyền hành giữa đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cộng thêm một tuần lễ xung đột trong năm 2007 giúp Hamas kiểm soát Gaza.


Hamas không thực sự đẩy mạnh việc áp đặt luật Hồi giáo tại Gaza, vốn đã rất bảo thủ. Tuy nhiên Hamas chứng tỏ không khoan nhượng đối với những người bất đồng chính kiến, bắt giữ các đối thủ chính trị và đàn áp dữ dội những cuộc biểu tình hiếm hoi chống sự cai trị của họ. Tổ chức chủ chiến này vẫn nắm giữ quyền hành một cách chặt chẽ qua 3 cuộc chiến và 14 năm bị phong tỏa.


Phong tỏa


Israel và Ai Cập áp đặt phong tỏa làm tê liệt Gaza sau khi Hamas lên nắm quyền. Israel nói điều này cần thiết để giữ cho Hamas và những tổ chức chủ chiến khác nhập khẩu vũ khí. Các tổ chức nhân quyền nói đây là hình thức trừng phạt tập thể.


Việc phong tỏa vùng này cùng với nhiều năm cai trị không hữu hiệu và việc đối đầu lâu năm với Thẩm quyền Palestine đã tác hại đến nền kinh tế Gaza. Thất nghiệp chung quanh con số 50%, mất điện thường xuyên, và nước uống bị ô nhiễm nặng. Người Palestin phải đối mặt với việc hạn chế đi lại mạnh mẽ khiến cho khó đi ra nước ngoài làm việc, học tập hay thăm viếng gia đình, và thường xem Gaza như nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới.


Chiến tranh


Hamas và Israel đã có 3 cuộc chiến tranh và một vài vụ giao tranh nhỏ. Tệ hại nhất cho tới nay là cuộc chiến năm 2014, kéo dài 50 ngày làm khoảng 2.000 người Palestine thiệt mạng, hơn một nửa là thường dân. Về phía Israel có 73 người chết.


Không kích của Israel và xâm nhập vào Gaza đã hủy hoại nhiều vùng đất, với toàn bộ nhiều khu vực thành đống đổ nát và hàng ngàn người buộc phải cụ ngụ tại các trại tạm trú do Liên hiệp quốc thiết lập hay trong các trường học và những cơ sở khác. Israel nói nước này nỗ lực tối đa để tránh thiệt hại cho thường dân và cáo buộc Hamas dùng người Gaza làm bia đỡ đạn.


Các phần tử hiếu chiến Palestine đã bắn hàng ngàn rốc-kết vào Israel. Đa số bị hệ thống phòng thủ phi đạn của Israel ngăn chặn hay rớt vào những khu vực không dân cư, nhưng cũng gieo rắc kinh hoàng và có thể làm đời sống bất ổn. Tầm xa của các rốc kết này đã gia tăng đều đặn trong những năm gần đây, với một số bắn tới Tel Aviv và Jerusalem, những khu vực thành thị chính.


Trước đây trong năm, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) mở cuộc điều tra về khả năng phạm tội chiến tranh tại những lãnh thổ của người Palestine. Tòa án này sẽ điều tra hành động cùa Israel lẫn các phần tử chủ chiến Palestine trong cuộc chiến năm 2014.


ICC cũng bày tỏ quan ngại về bạo động mới đây.