Việt Nam mua 31 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech của Mỹ
Cổng thông tin Bộ Y tế hôm 14/5 cho biết Việt Nam đã đàm phán mua 31 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech của Mỹ, trong tổng số 110 triệu liều sẽ được cung cấp trong năm 2021. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Việt Nam thiếu vaccine, nguồn cung toàn cầu khan hiếm và cạnh tranh.
“Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech,” Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế không nói rõ sẽ đặt mua vaccine của Pfizer như thế nào, nhưng từ tháng 2/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã đàm phán và có khả đạt được khoảng 30 triệu liều từ Pfizer thông qua “chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này,” do vaccine của Pfizer cần một số điều kiện về bảo quản và tiêm 5 ngày sau khi rã đông.
Ngoài các khoản viện trợ, Việt Nam áp dụng hai hình thức là dùng ngân sách nhà nước và cả “xã hội hóa” – tức để các công ty nhập về và bán lại cho người dân và chính phủ - khi tiếp cận nguồn vaccine từ nước ngoài.
Vào tháng trước, sau khi Bộ Y tế Việt Nam đàm phán và được xác nhận được cung cấp 38,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ tiêm cho 19,4 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên (khoảng 20% dân số), thì bộ này ngay lập tức đề nghị không dùng ngân sách mua thêm vaccine mà thực hiện “xã hội hóa.”
Vấn đề “xã hội hóa vaccine” gây tranh cãi trong số các nhà khoa học và người dân, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập thấp.
Người dùng Facebook tên Trung Thanh Vo ở thành phố Hồ Chí Minh viết: “Cố gắng đàm phán mua Pfizer về bán lại cho dân với giá hợp lý. Lời ít.”
Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội gửi kiến nghị cho Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi thực hiện chiến dịch và trực tiếp chỉ đạo “Đại Chiến Dịch Thần Tốc Tiêm Phòng” vaccine ngừa COVID 19 trên phạm vi toàn quốc trong vòng 04 đến 07 tháng với ngân sách huy động ít nhất 43.200 tỷ đồng, với 65% dân số được tiêm phòng, để tạo miễn dịch cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
Từ Hà Lan, bác sỹ Hoàng Tú Anh, nhà phản biện chính sách Anh từ Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, phát biểu trên đài BBC rằng nhà nước “cần phải rất là cân nhắc” đến vấn đề “xã hội hóa vaccine.”
“Nếu nhà nước để lại những nhóm mà phải tự tiếp cận vaccine mà chúng ta thấy rằng là những nhóm nguy cơ cao, những nhóm người bệnh, những nhóm trong các khu công nghiệp và những nhóm mà nền tảng kinh tế của người ta không cao.”
“Nếu mà bây giờ để họ phải tự tiếp cận vaccine mà nếu người ta không tiêm thì khả năng để bảo vệ cho cả cộng đồng cũng rất là yếu,” bác sỹ Hoàng Tú Anh nói.
Tính đến ngày 13/5, Bộ Y tế Việt Nam cho biết cả nước có 959.182 người được tiêm vaccine.
Việt Nam đang tìm cách xúc tiến chương trình tiêm chủng trong nước khi phải đối mặt với một đợt bùng phát mới đã lan đến 26 trong số 63 tỉnh thành, với tổng số ca nhiễm tính cho đến nay là 3.756 ca và 35 ca tử vong.
Theo tin từ Reuters ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất vaccine ở Việt Nam để xúc tiến thành lập trung tâm vaccine COVID-19 dùng công nghệ mRNA tại nước này. Chính phủ cho biết vaccine sản xuất trong nước của Việt Nam, gọi là Covivac, dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2022.