Giới chuyên gia: Việt Nam phải thận trọng sau khi Brazil loạ

PostMon May 03, 2021 10:34 pm

VOA - Health


Ít ngày sau khi Brazil ra quyết định không chấp thuận vắc-xin ngừa COVID-19 của Nga mang tên Sputnik V, hai chuyên gia ngành y - một ở Việt Nam, một ở Mỹ - nói với VOA rằng Việt Nam cần thận trọng với loại vắc-xin này.


Như tin đã đưa, giới quản lý y tế của Brazil ra thông báo vào tối 26/4 rằng họ rút lại giấy phép cấp cho vắc-xin ngừa virus corona của Nga, một động thái có thể gây ảnh hưởng đến việc sử dụng vắc-xin này ở các nơi khác trên thế giới.


Brazil chỉ ra một vấn đề quan trọng là nguy cơ hai adenovirus (hay virus véc-tơ) dùng để làm vắc-xin có thể tự sản sinh bên trong người được tiêm vắc-xin, một điều mà các nhà quản lý y tế Brazil xem là lỗi “nghiêm trọng”. Phía Nga bác bỏ những chỉ trích đó.


Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope ở bang California, Mỹ, phân tích với VOA về mối nguy hiểm tiềm tàng khi vắc-xin chứa adenovirus tự sinh sản:


“Khi con virus này tự sinh sản được, nó có thể gây bệnh. Đối với người khỏe mạnh, nó có thể gây bệnh cảm cúm bình thường thôi, người đó sẽ dễ dàng khỏi bệnh. Nhưng đối với những người có hệ miễn dịch yếu rồi, con virus có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn. Cái kháng nguyên trong vắc-xin để cơ thể học tập, hình dung virus corona như thế nào nó gây ra phản ứng miễn dịch, làm cơ thể khá mệt mỏi rồi, thì con adenovirus này đối với người yếu yếu nó có thể nguy hiểm hơn”.


Cách đây hơn 1 tháng, hôm 23/3, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Sputnik V sau khoảng 1 tuần xem xét để phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ đưa ra lời khuyên:


“Theo như thông tin hiện nay, tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam nên cẩn trọng hơn trong việc sử dụng Sputnik V. Nếu thực sự phải sử dụng vì dịch bùng phát quá nhiều ở khắp nơi hoặc là không có vắc-xin nào khác để thay thế, thì việc sử dụng đó nên rất là cân nhắc khi tiêm cho những người có hệ miễn dịch yếu”.


VOA cố gắng liên lạc với ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, để tìm hiểu xem Việt Nam sẽ có động thái gì sau khi Brazil rút lại giấy phép đối với Sputnik V, nhưng không nhận được hồi đáp.


Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương ở Hà Nội, cho VOA biết rằng Sputnik V chưa có vai trò gì ở Việt Nam vì chưa có liều nào được nhập về Việt Nam để sử dụng. Ông nói thêm:


“Sputnik thì hiện nay chưa có nên cũng chưa ảnh hưởng gì đến tiến độ của Việt Nam trong vấn đề lịch trình vắc-xin. Hiện nay, Việt Nam mới sử dụng AstraZeneca. Những nhóm nguy cơ bây giờ chỉ còn hơn 16 triệu người cần phải tiêm trong Ưu tiên 1 thì cũng đã đủ”.


Nhận định về sự suy xét và hành động có thể có từ phía cơ quan quản lý Việt Nam sau khi Brazil không còn chấp thuận sử dụng Sputnik V của Nga, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nói:


“Tôi tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách, quyết định chính sách sẽ cân nhắc thế nào cho phù hợp nhất, phải dựa trên các bằng chứng khoa học. Việt Nam rất thận trọng. Tất cả những bằng chứng trên thế giới đều được xem xét một cách kỹ lưỡng, và đương nhiên nếu có sử dụng thì sẽ sử dụng hết sức thận trọng. Chúng tôi sử dụng vắc-xin AstraZeneca bây giờ cũng hết sức thận trọng. Chưa bao giờ chúng tôi sử dụng vắc-xin thận trọng như bây giờ. Điều đó sẽ dựa trên các bằng chứng để quyết định. Tôi tin rằng là Việt Nam có thể sử dụng bất kỳ vắc-xin nào của thế giới đã có bằng chứng phê duyệt một cách thận trọng nhất”.


Trước khi Việt Nam phê duyệt Sputnik V, hôm 16/3, Moscow đã tặng Hà Nội 1.000 liều vắc-xin này. Bộ Y tế Việt Nam khi đó cho hay “thời gian tới việc điều phối lô vắc-xin này sẽ do chính phủ quyết định, có thể điều tiết về Bộ Y tế hoặc các đơn vị khác”.


Nhưng kể từ đó đến nay, không có thông tin trên báo chí trong nước là Sputnik V đã được tiêm chưa hoặc được tiêm cho những ai.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 835 guests

cron