Page 1 of 1

Châu Á: COVID tăng, nghi ngại về vaccine làm ảnh hưởng tới c

PostPosted: Thu Apr 08, 2021 5:58 pm
by NewsReporter
VOA - Health


Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan ngày 8/4 đối mặt với số ca nhiễm COVID ngày càng tăng, phá hoại những hy vọng dè dặt là châu Á đang dần thoát khỏi giai đoạn tệ hại nhất của đại dịch trong lúc những quan ngại về an toàn có nguy cơ làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng.


Ấn Độ báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục là 126.789. Đây là ngày thứ ba trong tuần có số người nhiễm vượt qua 100.000. Giới hữu trách quy trách nhiệm cho việc tụ tập đông người và không chịu mang khẩu trang khi các cửa tiệm và văn phòng tái mở cửa.


Việc có thêm nhiều biến thể lây nhiễm cao có thể đóng một vai trò trong tình trạng hiện nay tại Ấn, một số nhà dịch tễ học nói, với hàng trăm ca biến thể Anh, Nam Phi và Brazil.


Các con số đáng báo động đã khiến New Zealand tạm thời cấm những người từ Ấn Độ nhập cảnh, thậm chí là ngăn công dân New Zealand trở về nhà, trong khoảng hai tuần.


“Chúng tôi tạm thời ngưng nhập cảnh vào New Zealand những người từ Ấn Độ đến,” Thủ tướng Jacinda Aderne tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Auckland.


New Zealand, xem như đã diệt được virus bên trong biên giới, báo cáo có 23 ca mới tại biên giới hôm 8/4 và 17 ca trong số này từ Ấn Độ đến.


Hai nước khác kiểm soát được phần lớn virus corona trong năm đầu tiên của đại dịch hiện cũng phải đối phó với những đợt mới, dù nhỏ hơn Ấn Độ.


Hàn Quốc báo cáo 700 ca nhiễm mới ngày 8/4, con số cao nhất hàng ngày kể từ đầu tháng Giệng năm nay, và Thủ tướng cảnh báo chắc chắn phải cần tới những qui định mới về giãn cách xã hội.


Thái Lan, dự trù tái mở cửa ngành du lịch một cách dè dặt, báo cáo gia tăng lây nhiễm hàng ngày ở mức 405 ca hôm 8/4, đưa tổng số ca nhiễm tại Thái lên thành 30.310, với 95 người chết.


Thêm vào đó, Thái Lan cũng phát hiện 24 ca bị biến thể Anh, biến thể lây nhiễm cao của COVID.


Số ca nhiễm cũng gia tăng tại một số nơi ở châu Âu nhưng Nam Mỹ là vùng lây nhiễm đáng quan ngại nhất của thế giới, với các ca nhiễm đang leo thang tại hầu hết các nước trong khu vực, giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho hay ngày 7/4.


Ngưng tiêm chủng


Số ca nhiễm tại châu Á tăng trong lúc người ta ngày càng lo ngại về sự an toàn của một trong những vaccine có uy tín chống virus.


Cơ quan Thuốc men châu Âu ngày 7/4 nói phát hiện những ca huyết khối hiếm thấy trong một số người được tiêm vaccine COVID-19 của AstraZaneca dù vẫn khẳng định vaccine này có lợi nhiều hơn hại.


Cả Hàn Quốc lẫn Philippines đều ngưng sử dụng vaccine Astra cho những người dưới 60 tuổi vì có thể liên hệ đến huyết khối, trong khi Úc và Đài Loan nói sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này.


Mối lo về vaccine Astra có thể làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng tại châu Á, một số nước đã gặp phải vấn đề cung cấp. Các chiến dịch tiêm chủng tại hầu hết các nơi ở châu Á đi sau các nước như Anh và Mỹ.


Chương trình của Úc tiêm chủng gần 26 triệu người đã thụt lùi hơn 80% so với thời biểu lúc đầu.


Nhà chức trách tại đây hứa tiêm chủng 4 triệu liều đần tiên vào cuối tháng Ba nhưng chỉ mới tiêm được 670.000 liều. Chính phủ đổ lỗi cho vấn đề cung cấp vaccine từ châu Âu.


Trong khi số ca COVID tại Ấn Độ gia tăng, các trung tâm vaccine tại một vài nơi trong nước, kể cả bang Maharashtra bị tác hại nặng nề nhất, bị thiếu nguồn cung ứng.


Trung Quốc, nơi virus corona chủng mới xuất hiện vào cuối năm 2019, đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Trung Quốc đã tiêm khoảng 3,68 triệu liều hôm 7/4, nâng tổng số lên thành 149,07 triệu liều, nhà cầm quyền nói.


Tiêm chủng tại Nhật đứng đằng sau khá xa so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác. Tại Nhật chỉ có một vaccine được chấp thuận và khoảng một triệu người nhận được liều đầu tiên kể từ tháng Hai năm nay dù Nhật đang vất vả đối phó với những ca mới.


Lây nhiễm tại Tokyo tăng thêm 545 ca hôm 8/4, cộng thêm những lo ngại về Thế vận hội Tokyoo và Thế vận hội Người khuyết tật, vốn bị hoãn từ năm ngoái và hiện sẽ bắt đầu vào cuối tháng Bảy.


Chính phủ tìm cách trấn an sự phẫn nộ trên truyền thông xã hội nói rằng chính phủ không dành ưu tiên vaccine cho các vận động viên Thế vận hội, bác bản tin nói rằng chính phủ định làm như thế.


Nhật không bắt buộc các vận động viên đến Nhật phải được tiêm chủng nhưng họ sẽ được xét nghiệm thường xuyên khi có mặt tại Nhật. Sẽ không có khán giả nước ngoài và quyết định về sự dự khán của khán giả nội địa chưa được đưa ra.