Giới chuyên gia trấn an công chúng về độ an toàn của vaccine
Các chuyên gia y tế đang trấn an công chúng về mức độ an toàn của vaccine COVID-19 do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế giữa lúc một số nước châu Âu và châu Á cho đình chỉ sử dụng vaccine này sau những báo cáo về một số trường hợp người nhận vaccine bị các cục máu đông.
Bulgaria ngày 12/3 cùng với Đan Mạch, Na Uy và Iceland ngừng tiêm chủng vaccine của AstraZeneca. Áo, Ý, Luxembourg, Estonia, Lithuania và Latvia đã ngừng triển khai một số lô vaccine nhất định.
“Cho đến khi mọi nghi ngờ được xóa tan..., chúng tôi tạm dừng tiêm chủng loại vaccine này,” Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov nói, theo Reuters.
Bộ trưởng Y tế Bulgaria, Kostadin Angelov, cho biết một phụ nữ 57 tuổi tử vong vì suy tim 15 giờ sau khi nhận được một mũi vaccine AstraZeneca, nhưng ông kêu gọi những người đã được tiêm hãy bình tĩnh.
“Chúng tôi không có bất kì dữ liệu chính thức nào chứng minh mối liên hệ nhân quả,” ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng ngày lên tiếng khẳng định tính an toàn của vaccine AstraZeneca. Đây là loại vaccine rẻ nhất và có số lượng lớn nhất được tung ra cho đến nay và đồng thời sẽ là vaccine chủ đạo trong các chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển.
“Điều rất quan trọng là cần hiểu rằng, đúng, chúng ta nên tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca,” phát ngôn viên WHO Margaret Harris nói trong một cuộc họp báo. “Tất cả những gì chúng tôi xem xét là những gì mà chúng tôi vẫn luôn xem xét: Bất kì tín hiệu an toàn nào cũng phải được điều tra.”
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA), cơ quan quản lý dược phẩm của khối EU, ngày 10/3 cho biết đã có 22 báo cáo về hiện tượng tắc mạch do máu đông thành cục trong số 3 triệu người đã tiêm vaccine.
Công ty AstraZeneca đang chuẩn bị đệ đơn vào cuối tháng này hay đầu tháng tới để xin Mỹ chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID của họ sau khi thu thập đủ dữ liệu để phán xét về mức độ hiệu nghiệm, các nguồn thạo tin cho Reuters biết ngày 12/3.
Nhận định về các báo cáo liên quan hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca, bác sĩ Nguyễn Đông Châu, một chuyên gia Nội thương-Tim mạch ở bệnh viện Methodist thuộc Trung tâm Y khoa Texas, nói vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng nên chưa thể kết luận chứng bệnh này là do vaccine gây ra. Ông lưu ý trước đây cũng đã có những báo cáo tương tự sau khi một số người được tiêm vaccine của các hãng dược khác.
“Mình còn nhớ lúc ban đầu gần ba, bốn chục người nằm trong viện dưỡng lão bị chết bên Âu châu sau khi tiêm vaccine của Pfizer. Lúc đó cái tin đó sốt lên thì người ta cũng sợ,” ông nói. “Vaccine khác nữa, cũng có một số tử vong. Người ta mới tìm hiểu thêm chi tiết thì mới biết những người này chết không phải vì vaccine mà vì những bệnh đã có sẵn rồi, có thể là một trường hợp trùng hợp vậy thôi.”
Bác sĩ Châu giải thích thêm:
“Tất cả thuốc men gì trên thị trường, cộng với vaccine này luôn, cộng luôn cả những thuốc không cần toa bác sĩ như Tylenol, vẫn có thể có những phản ứng rất là xấu mà người ta vẫn có thể chết được. Nên thuốc nào, loại nào cũng có thể có những cái nguy hiểm của nó. Trong trường hợp vaccine chích ngừa COVID này thì tất cả những loại vaccine trên thị trường Mỹ bây giờ, cái nào cũng rất là an toàn. Người bệnh nếu không có quá trình phản ứng nặng với vaccine thì nên chích tại vì cái sự ích lợi rất là nhiều, nhiều hơn hẳn so với những nguy hiểm của nó.”
Ngày 12/3, AstraZeneca cho biết số trường hợp bị cục máu đông được ghi nhận ở những người đã tiêm vaccine “thấp hơn đáng kể so với dự kiến trong dân số nói chung.”
“Một phân tích dữ liệu an toàn của chúng tôi với hơn 10 triệu hồ sơ không cho thấy bằng chứng nào về nguy cơ gia tăng của chứng thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu,” một phát ngôn viên của hãng dược này nói.
Kết quả được nhiều người trông đợi từ cuộc thử nghiệm tại Mỹ có thể giúp giải quyết những quan ngại về mức độ an toàn của vaccine liên quan tới những báo cáo về chứng đông máu cục, theo Reuters.