Làm sao Mỹ có đủ vắc xin COVID-19 cho mọi người lớn vào thán
Hôm 2/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng sẽ có đủ vắc xin ngừa COVID-19 vào tháng 5 tới dành cho mọi người trưởng thành ở Mỹ, như vậy, sớm hơn 2 tháng so với dự kiến được chính quyền của ông đưa ra cách đây 3 tuần.
Báo mạng The Hill cho hay sở dĩ có thể đẩy nhanh thời gian biểu về vắc xin trước hết là do có đột phá khi Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson để sử dụng trong bối cảnh khẩn cấp. Đây là loại vắc xin thứ 3 được cấp phép ở Mỹ và loại này chỉ cần tiêm 1 liều.
Báo USA Today và The Hill đưa tin rằng một yếu tố quan trọng nữa giúp tăng tốc độ cung cấp vắc xin là hai hãng dược khổng lồ Johnson & Johnson và Merck, vốn là đối thủ cạnh tranh, mới đây đi đến thỏa thuận hợp tác sản xuất vắc xin, sau khi Nhà Trắng đứng ra làm trung gian để hai bên thương thảo. Nhờ sự hợp tác này, năng suất chế tạo loại vắc xin vừa được duyệt sẽ tăng gấp đôi.
Hai báo USA Today và The Hill cho biết thêm rằng đội ngũ của ông Biden áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để phân bổ 100 triệu đô la cho việc mở rộng sản xuất dược phẩm, bao gồm cấp tiền để chuyển đổi một cơ sở của hãng Merck thành một nhà máy sản xuất.
Các chuyên gia y tế công nhìn nhận rằng mục tiêu mới về cung cấp đủ vắc xin vào tháng 5 là trong tầm tay, theo The Hill. Trong khi đó, theo USA Today, có một số chuyên gia thậm chí còn dự báo rằng Mỹ có thể về đích sớm hơn, vào khoảng giữa tháng 4.
Bản tin của USA Today viết để đạt mục tiêu đó, các quan chức Mỹ lên kế hoạch sẽ có 400 triệu liều vắc xin từ các hãng Moderna và Pfizer-BioNTech, đủ để chủng ngừa cho 200 triệu người, bên cạnh đó là 100 triệu liều vắc xin chỉ cần tiêm 1 lần của Johnson & Johnson. Như vậy, thừa đủ cho 255 triệu người lớn ở Mỹ.
Nữ giáo sư Melissa McPheeters, chuyên về chính sách y tế và tin học y sinh, thuộc Trung tâm Y tế của Đại học Vanderbilt, nói với USA Today rằng thành tựu này “mang lại sự phấn khích to lớn” và làm cho bà “có nhiều hy vọng”. Bà nói thêm: “Chúng ta giờ đây có thể thấy rằng sắp có một bước ngoặt, thoát khỏi cảnh lo nghĩ về sự khan hiếm [vắc xin]”.
Được Merck góp sức tăng năng suất, Johnson & Johnson thông báo họ sẽ cung cấp 20 triệu liều vắc xin vào cuối tháng 3, và 80 triệu liều nữa vào cuối tháng 5.
Moderna và Pfizer-BioNTech ban đầu có kế hoạch là mỗi hãng giao 200 triệu liều vào cuối tháng 6.
Nhưng hóa ra việc sản xuất loại vắc xin dựa trên công nghệ mRNA lại diễn ra nhanh hơn dự kiến, nên quy trình được rút ngắn hẳn 1 tháng, Moncef Slaoui, người đứng đầu nỗ lực phát triển vắc xin trong thời của chính quyền ông Trump, cho USA Today biết.
Một số chuyên gia nhận định rằng tốc độ chế tạo 3 loại vắc xin được cấp phép tăng nhanh cũng đồng nghĩa là sẽ có lượng vắc xin dồi dào trong vòng 1 tháng.
“Tôi dự đoán rằng đến giữa hoặc cuối tháng 4, tất cả những người lớn nào muốn tiêm vắc xin đều sẽ có thể đi tiêm được. Khi đó, tiếp đến sẽ là bắt đầu thúc đẩy để mọi sinh viên đại học tiêm vắc xin”, tiến sĩ Trudy Larson, hiệu trưởng trường khoa học y tế cộng đồng thuộc Đại học Nevada-Reno, nói với USA Today.
Tờ báo này lưu ý rằng cần có một cách hiểu thoáng về lời hứa của chính quyền ông Biden khi họ nói “sẽ có đủ vắc xin cho mọi người lớn tính đến cuối tháng 5”.
Các quan chức chính quyền không nói rằng mọi người lớn sẽ được tiêm chủng đầy đủ khi tới thời hạn đó, tức là phải đủ 2 mũi tiêm của Pfizer-BioNTech và Moderna. Họ cũng không nói là sẽ tiêm xong hết mà chỉ nói là sẽ có sẵn vắc xin để tiêm, USA Today phân tích.
Mặc dù vậy, việc có đủ vắc xin để tiêm ít nhất 1 mũi cho mỗi người vẫn là thành tựu ấn tượng, tiến sĩ George Rutherford nói. Ông là nhà dịch tễ học và nhà thống kê sinh học thuộc Đại học California, San Francisco. “Đó là một mốc lớn, thật tuyệt”, ông nói.
Giờ đây, bước tiếp theo là thuyết phục những người còn lạnh nhạt với tiêm vắc xin. USA Today và The Hill tường thuật rằng các cuộc khảo sát thời gian qua đều có cùng kết quả là một tỷ lệ lớn người Mỹ cảm thấy bất trắc về chủng ngừa COVID-19. Nhưng cũng có dữ liệu cho thấy một khi họ thấy bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm đã tiêm chủng, sự chần chừ của họ sẽ giảm xuống.
Theo tin của The Hill, các chuyên gia y tế tin rằng Mỹ cần tiêm chủng cho khoảng 80% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, cũng có nghĩa là phải tiêm chủng toàn bộ người lớn, vì trẻ em chưa thể tiếp nhận vắc xin.
Nhưng có những khó khăn đáng kể để thực hiện việc đó, và nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền ông Biden. Việc phân phối và tiêm vắc xin phần lớn tùy thuộc vào các bang sau khi họ nhận hàng từ các nhà sản xuất. Mặc dù vậy, chính quyền của ông Biden đã phối hợp với các bang để mở các điểm tiêm phòng cấp liên bang và điều thêm người đến làm việc.
Dẫn kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Gallup, The Hill cho biết 67% cử tri tin tưởng sự ứng phó của ông Biden đối với đại dịch, một mức độ tín nhiệm cao hơn đáng kể so với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump.