Page 1 of 1

Nghiên cứu: Biến thể Nam Phi làm giảm hiệu nghiệm của vaccin

PostPosted: Thu Feb 18, 2021 6:45 pm
by NewsReporter
VOA - Health


Các nhà khoa học gặp nhau ngày 18/2 để cố vấn chính phủ Nam Phi về những bước kế tiếp sau khi một cuộc nghiên cứu cho thấy biến thể Nam Phi đang chế ngự tại địa phương có thể làm giảm hai phần ba kháng thể bảo vệ từ vaccine của Pfizer.


Cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, công bố trong Tạp chí Y học New England, tăng phần lo âu cho quốc gia chịu tác hại nhiều nhất trên lục địa châu Phi. Trước đây trong tháng, Nam Phi đã ngưng triển khai vaccine của AstraZeneca.


Dù ý nghĩa thực thụ của cuộc nghiên cứu đối với sự hiệu nghiệm trên thực tế của vaccine Pfizer chưa rõ ràng, nhưng cuộc nghiên cứu được thực hiện sau khi những dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trên vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson (J&J) và Novavax đều cho thấy các vaccine này giảm hiệu quả trước biến thể lây lan cao hơn có tên gọi 501Y.V2, tức biến thể Nam Phi, vốn được phát hiện lần đầu vào cuối năm ngoái.


Nam Phi trông cậy vào vaccine của công ty Mỹ Pfizer phối hợp bào chế cùng với đối tác Đức BioNTech, để tăng cường chương trình tiêm chủng của họ sau khi sử dụng những liều vaccine của J&J đầu tiên vào ngày 17/2.


Nam Phi đang tính chuyện hoán đổi hay bán các liều vaccine AstraZeneca, sau khi một cuộc thử nghiệm nhỏ ở địa phương cho thấy vaccine chỉ giúp bảo vệ tối thiểu chống lại bệnh COVID từ vừa tới nhẹ gây nên bởi biến thể 501Y.V2. Những người tham gia trong cuộc thử nghiệm này có độ tuổi trung bình là 31.


Các giới chức tin tưởng vaccine của J&J hơn vì vaccine này cho thấy hiệu nghiệm chống lại bệnh nặng trong cuộc thử nghiệm ở Nam Phi thuộc khuôn khổ một cuộc thử nghiệm toàn cầu rộng lớn hơn.


Cuộc nghiên cứu công bố ngày 17/2 chú trọng đến tất cả sự đột biến chính của biến thể 501Y.V2. Một tài liệu công bố vào cuối tháng Giêng năm nay chỉ đánh gía ảnh hưởng của 3 đột biến chính của biến thể này mà thôi.


Các nhà khoa học nói vì những phát hiện của cuộc nghiên cứu mới đến từ phòng thí nghiệm, nên không dễ ngoại suy việc này có thể có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới thực sự.


Ông Peter English, một cố vấn về kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, nói chưa chứng minh được vaccine Pfizer kém hiệu nghiệm trong việc chống lại biến thể 501Y.V2. Ông nói miễn nhiễm tế bào-cũng như kháng thể-rất quan trọng trong việc bảo vệ chống lại virus và rằng các nhà khoa học chưa biết được mức kháng thể trung tính cần thiết để đạt miễn nhiễm.


“Các nhà khoa học của chúng tôi sẽ họp để thảo luận về cuộc nghiên cứu này và họ sẽ cố vấn cho Bộ trưởng,” phát ngôn viên Bộ Y tế Popo Maja nói.


Ông Barry Schoub, chủ tịch Ủy ban Cố vấn cấp bộ về vaccine, nói ủy ban sẽ thảo luận cuộc nghiên cứu cùng với thông tin về các vaccine khác.


Được yêu cầu bình luận về những phát hiện từ cuộc nghiên cứu vừa kể, ông nói: “Vaccine Pfizer hiệu nghiệm lớn đến 95%, do đó ngay cả khi có sự giảm hiệu quả lớn đi chăng nữa thì vẫn còn nhiều hiệu nghiệm đáng kể.”


“Có phần chắc là vaccine sẽ bảo vệ ở một mức độ hợp lý nào đó, chắc chắn chống lại bệnh nặng và bệnh từ nhẹ tới vừa, ở một chừng mực nào đó,” ông nói.


“Đủ mạnh”


Ông Richard Mihigo, một giới chức về miễn dịch tại Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới ở Châu Phi, nói tại cuộc họp báo là đáp ứng của kháng thể đối với biến thể Nam Phi trong cuộc nghiên cứu Pfizer là “đủ mạnh”.


Bà Linda-Gail Bekker, đồng lãnh đạo điều tra cuộc thử nghiệm của J&J ở Nam Phi, cho biết sẽ khuyến nghị cho triển khai vaccine Pfizer nhưng sẽ theo dõi cùng cách thức như với vaccine J&J vốn đang được dùng trong “cuộc nghiên cứu thực thi” nhắm vào 500.000 nhân viên y tế.


Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize ngày 17/2 tuyên bố Nam Phi hy vọng sẽ có sơ khởi 500.000 liều vaccine Pfizer và khoảng 7 triệu liều vào tháng Sáu tới.


Một phát ngôn viên của cơ quan ban hành qui định thuốc men Nam Phi cho hay đơn xin chấp thuận của Pfizer đang được duyệt xét và từ chối bình luận thêm.


Nam Phi, với gần 1,5 triệu ca và khoảng 48.500 người chết, chiếm gần phân nửa số ca tử vong và một phần ba số ca nhiễm COVID được xác nhận tại châu Phi. Về chiến dịch tiêm chủng, Nam Phi còn thua xa các nước giàu phương Tây.


Chính phủ có kế hoạch tiêm chủng cho 40 triệu người, tức hai phần ba dân số nước này.