Việt Nam: Doanh nghiệp nhỏ ‘ngấm’ khủng hoảng khi dịch Covid
Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách đóng cửa biên giới, cách ly tập trung
người nhập cảnh để kiểm soát dịch bệnh. Chính sách này cho thấy có
hiệu quả khi Việt Nam thông báo không có ca lây nhiễm cộng đồng.
Cùng thời gian này, doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam nói họ thực sự “ngấm”
khủng hoảng khi đại dịch kéo dài và chưa có hồi kết.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
truyền thông tại Hà Nội cho biết từ nhiều tháng nay doanh nghiệp của mình
phải chuyển hướng hoạt động sang các lĩnh vực khác, như kinh doanh
mặt hàng lõi lọc nước thảo dược và xuất khẩu khẩu trang y tế… Còn bản
thân chị thì “thường xuyên phải thức đêm để tham gia hoạt động trên thị
trường chứng khoán Mỹ,” hầu mong “kiếm thêm được đồng nào hay đồng
đấy” để duy trì doanh nghiệp.
Trước đại dịch, mặc dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng chị Nguyễn Mỹ Linh vẫn
thường xuyên có hợp đồng quảng bá đủ sức trả lương cho gần 30 nhân
viên, phóng viên… đồng thời tạo ra thu nhập tốt cho gia đình.
Nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, tiền tích luỹ đã chi phí hết mà
hợp đồng mới thì không thể kiếm ra, do các doanh nghiệp và địa phương
cũng đang phải gồng mình chống dịch.
“Bây giờ thì phải thường xuyên thức đêm. Hôm nào nếu không thức được thì 4 giờ sáng là phải dậy để theo dõi chỉ số chứng khoán Mỹ xem nên bán gì, mua gì. Phải xoay đủ kiểu. May mà cũng kiếm được chút chút bù vào để duy
trì hoạt động. Nhưng lâu dài như thế này thì chắc không thể
gượng nổi nữa…” Chị Mỹ Linh cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Việt Anh, chủ một nhà hàng có tiếng
ở khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết khi dịch mới bắt đầu,
mặc dù tình hình khi đó khá căng thẳng nhưng khách hàng thân thiết do quý mến anh vẫn thường xuyên tới nhà hàng ủng hộ. Nhưng khoảng 3 - 4 tháng trở lại đây, hầu như không còn ai ghé lại. Nhà hàng vì thế rơi
vào cảnh ế ẩm triền miên. Hai cô con gái vốn cho đi du học tại Anh nhưng
giờ không có tiền đóng học phí và dịch bệnh cũng vẫn đang hoành hành nên hiện phải cho ở nhà.
Anh Việt Anh nói gia đình lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, cố cho con quay lại Anh học tập thì không còn khả năng nhưng để cho cả hai quay lại
học chương trình tại Việt Nam thì các cháu cũng không thể theo được.
“Năm nay kinh tế buồn, kinh doanh, buôn bán chết hết thế này. Ra Tết này mình cũng phải thu vén lại thôi, chứ làm nhà hàng giờ không ăn
thua. Tiền thuê mặt bằng thì cao mà làm gì có khách đâu.
Người ta giờ cũng hết tiền để ăn uống, tiêu xài rồi.” Anh Việt Anh than thở.
Trước tình hình kinh tế ảm đạm, người dân không có tiền để chi tiêu nên
người có ý định hoạt động kinh doanh vào thời điểm này đều phải lùi lại kế
hoạch, để chờ đợi và nghe ngóng ít nhất cho tới hết năm nay.
Anh Nguyễn Hoàng Hà, cư dân tại quận Hoàn Kiếm,Hà Nội, cho biết mặc dù
gia đình có sẵn hơn 2 ha đất và cơ sở lưu trú gần hoàn thiện ở vị trí đẹp tại
thị trấn du lịch Sapa nhưng trong suốt thời gian qua, anh vẫn “chưa dám dồn thêm tiền để hoàn thiện khu khách sạn này và cho đi vào hoạt động”
vì “ảnh hưởng đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động du lịch sẽ còn kéo dài” tại Việt Nam.
“Thường thì ảnh hưởng hậu dịch mới kinh khủng, khi người dân không có tiền để đi du lịch hay mua sắm, chi tiêu; du khách nước ngoài thì chưa biết
bao giờ trở lại. Nói chung năm vừa rồi tôi cũng định nghỉ việc
để ra kinh doanh nhưng lại thôi và chưa biết bao giờ mới thực hiện được
dự định này.” Anh Hà bày tỏ.
Theo nhận định chung của nhiều người, tình hình đóng cửa tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ còn kéo dài bởi việc có được vaccine cho mọi người dân hiện vẫn còn xa vời.