Nhân viên nhà nước Nga chịu áp lực tham gia tiêm thử vắc xin
Vào cuối tháng 9, ông Sergei Martyanov, giám đốc sở quản lý công sản thuộc chính quyền thành phố Moscow, gửi một loạt tin nhắn cho cấp dưới, bày tỏ thất vọng về việc các nhân viên rõ ràng là miễn cưỡng khi tham gia cuộc tiêm thử trên người loại vắc xin Sputnik V ngừa virus corona.
Ông Martyanov thúc giục nhân viên vận động cả bạn bè và gia đình tham gia cuộc thử nghiệm. Ông nhắn tin cho họ rằng: "Mỗi nhân viên rủ thêm ít nhất hai người!"
Sở y tế Moscow cho biết loại vắc xin này đã vượt qua thành công hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, cho thấy nó an toàn; việc người dân quyết định tham gia thử nghiệm là hoàn toàn tự nguyện và chỉ sau khi họ đã khám sức khỏe.
Tuy nhiên, những tin nhắn của ông Martyanov mà Reuters được xem cho thấy rằng một số nhân viên nhà nước Nga đang chịu áp lực nặng nề phải đăng ký tham gia các cuộc thử nghiệm. Việc này bị các nhà theo dõi y đức cho rằng nó có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức về chuyện tự nguyện tham gia các cuộc thử nghiệm như vậy.
Một nguồn tin thân cận với sở của ông Martyanov nói với Reuters rằng tất cả các sở trong chính quyền thành phố Moscow, nơi quản lý 20.000 người, đã bị giao hạn ngạch phải tham gia các cuộc thử nghiệm.
Việc thử nghiệm vắc xin của Nga đã bắt đầu vào đầu tháng 9 và đang trong giai đoạn cuối tại 29 trạm y tế trên khắp Moscow. Khoảng 20.000 người đã tham gia. Chính quyền cho biết kết quả tạm thời cho thấy vắc xin có mức độ hiệu quả là 92%. Nga đặt mục tiêu sản xuất hơn một tỷ liều vắc xin này trong và ngoài nước vào năm tới.
Thậm chí trước khi các cuộc thử nghiệm hoàn thành, người Nga đã được tiêm vắc xin này rồi. Vắc xin này đã được các cơ quan chức năng của Nga duyệt chính thức vào tháng 8; Nga, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 4 thế giới, thông báo rằng đến nay họ đã tiêm chủng cho hơn 100.000 người được coi là có nguy cơ cao như quân nhân, bác sĩ và giáo viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng vắc xin "đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra". Tuy nhiên, bản thân ông Putin vẫn chưa tiêm vắc xin. Điện Kremlin nói rằng ông ấy không thể lấy tiêm một thứ vẫn đang được thử nghiệm. Hồi tháng 8, ông Putin cho biết một trong những người con gái của ông đã được tiêm chủng và sau đó vẫn ổn.
Trong quá trình tiến hành các thử nghiệm, Moscow nhận được sự giúp đỡ từ đông đảo các công chức, viên chức Nga, là những người phụ thuộc vào tiền lương của chính phủ. Trong ba ngày trong tháng 11 và sáu ngày trong tháng 10, các phóng viên Reuters đã đến 13 trạm y tế nơi tiến hành thử nghiệm, và nói chuyện với 32 người tham gia thử nghiệm. 30 trong số 32 người nói rằng họ đã được thông báo về cuộc thử đang diễn ra.
Trong số 32, 23 người cho biết họ thực sự là những người tình nguyện. Hầu hết đều tỏ ra hào hứng về việc thử nghiệm.
9 người nói rằng họ không thực sự tình nguyện. Cả 9 người đều là công chức, viên chức, và muốn giấu tên. Một số người cho biết rằng họ cảm thấy không thể từ chối lời yêu cầu của sếp về chuyện đi tiêm chủng, nhưng sau khi họ đến trạm y tế, các xét nghiệm cho thấy họ không đủ điều kiện, hoặc các nhân viên y tế cung cấp cho họ lý do mà họ có thể sử dụng để từ chối.
Một số người khác cho biết họ đã đến tận trạm y tế và sau đó đơn thuần là từ chối tham gia. Không ai nói rằng họ đã bị tiêm trái ý muốn của họ.
Các nhà theo dõi y đức cho rằng việc gây áp lực lên các công chức, viên chức có thể làm méo mó các quy định về đạo đức đối với việc thử nghiệm.
Nói chung, nếu người ta cảm thấy họ phải trả giá nếu họ từ chối tham gia một cuộc thử nghiệm, như thế là có sự ép buộc, điều này sẽ không thể bào chữa được ở Hoa Kỳ, Anh hoặc các nước phương Tây khác, Julian Savulescu, giáo sư đạo đức học thuộc Đại học Oxford, nói với Reuters.
Ở Nga, về danh nghĩa, vắc xin Spunik V đã được phê duyệt, nên một số quan chức đã ra lệnh thẳng thừng là cho nhân viên phải đi tiêm vắc xin.
“Trạm y tế của chúng ta đã nhận lệnh là phải tiêm chủng chống COVID-19 cho tất cả nhân viên. Việc này đang do sở y tế Moscow giám sát”, Olga Tsvetkova, phó giám đốc y tế tại Trạm y tế số 3 của Moscow, đã thông báo trong một tin nhắn gửi cho nhân viên vào tháng 10.
“Nếu anh/chị từ chối tiêm phòng, anh/chị có thể bị đình chỉ công việc. Có một cơ sở pháp lý cho điều này”, bà Tsvetkova viết trong tin nhắn gửi qua WhatsApp mà Reuters đọc được.
Khi được phóng viên hỏi, Trạm y tế số 3 cho biết Moscow là một trong số ít khu vực mà nhân viên y tế có cơ hội được tiêm vắc xin ngừa virus corona, và lệnh tiêm chủng cho nhân viên của phòng khám cho thấy mức độ quan tâm, chăm sóc dành cho nhân viên.
“Quyết định có tiêm chủng không là do nhân viên tự nguyện đưa ra và chỉ sau khi họ khám sức khỏe đạt yêu cầu”, Trạm y tế cho biết qua một tuyên bố.
Sở y tế Moscow không bình luận về mệnh lệnh đó.
Savulescu, giáo sư Oxford, nói rằng về mặt đạo đức, vẫn có thể tung ra một loại vắc xin trong khi các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành, nếu có đủ bằng chứng là nó an toàn. Ông nói: “Nếu ta đã đạt đến điểm đó, thì có thể biện minh cho một chính sách bắt buộc”.
Ông nói thêm rằng nếu không biết các dữ liệu về độ an toàn của Sputnik V thì không thể bình luận về quyết định của Nga. Các nhà tổ chức đứng sau cuộc thử nghiệm nói rằng đến nay chưa thấy có bất kỳ sự cố bất lợi nào và những người tham gia vẫn đang được theo dõi, nhưng dữ liệu chi tiết về mức độ an toàn vẫn chưa được công bố.