Page 1 of 1

Một số khoa học gia chất vấn dữ liệu vaccine của Nga

PostPosted: Wed Sep 09, 2020 6:39 pm
by NewsReporter
VOA - Health


Hai mươi sáu nhà khoa học, hầu hết làm việc tại các trường đại học ở Ý, ký thư ngỏ nêu nghi vấn về độ khả tín của các dữ liệu được đưa ra trong những kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu vaccine COVID-19 của Nga có tên là Sputnik-V.


Đưa vấn đề lên The Lancet, tạp san y khoa quốc tế có đánh giá đối chiếu, nhóm khoa học gia này nói họ thấy những mẫu trong dữ liệu của Nga có vẻ ‘khó có khả năng.’ Tạp san này cũng là nơi Viện Gamalaya của Moscow đăng kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu của Sputnik-V.


Bức thư, công bố trên trang blog cá nhân của một trong những người ký tên, nói dữ liệu kết quả thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn I/II cho thấy nhiều người tham gia báo cáo mức kháng thể giống nhau và điều này là khó có thể xảy ra.


Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng kết luận của họ căn cứ vào những tóm tắt từ kết quả dữ liệu thử nghiệm mà phía Nga đăng trên The Lancet, chứ không căn cứ trên chính dữ liệu nguyên gốc.


Viện Gamaleya, nơi phát triển vaccine, bác bỏ những chỉ trích.


“Những kết quả đăng tải là thực và chính xác và được phối kiểm bởi 5 người đánh giá lại tại The Lancet,” phó giám đốc viện, Denis Logunov, nói.


Ông nói viện của ông đã đệ trình toàn bộ dữ liệu nguyên thủy về kết quả thử nghiệm cho tờ The Lancet.


Ông Naor Bar-Zeev, phó giám đốc Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, một trong số những người xem xét lại dữ liệu của Nga, nói: “Tóm lại, tôi thấy không có lý do để nghi ngờ tính chính đáng của những kết quả này so với những kết quả khác mà tôi đã đọc và duyệt xét. Nhưng dĩ nhiên là không ai có thể biết được.”


Một nữ phát ngôn viên của tờ The Lancet cho biết tờ báo đã mời tác giả cuộc nghiên cứu của Nga trả lời những chất vấn nêu lên trong bức thư ngỏ vừa kể. Tạp san này cho biết đang theo dõi sát tình hình.


Ngày 4/6, Nga công bố kết quả thử nghiệm Giai đoạn I/II gồm 76 người tham dự và được thực hiện vào tháng 6-7 năm nay. Những người tham dự có được một đáp ứng miễn nhiễm tích cực và không có phản ứng phụ trầm trọng, các tác giả cuộc nghiên cứu nói.


Giai đoạn III thử nghiệm, liên hệ đến 40.000 người tham dự, được phát động vào ngày 26/8. Khoảng 31.000 người đã ghi tên tham gia, theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko.