Page 1 of 1

Làm sao có được miễn nhiễm cộng đồng trong đại dịch?

PostPosted: Fri Aug 21, 2020 7:27 pm
by NewsReporter
VOA - Health


Đại dịch virus corona khiến mọi người chú ý tới ý niệm “miễn nhiễm cộng đồng” và làm dấy lên hy vọng là hiện tượng này có thể giúp làm chậm hay thậm chí là chấm dứt dịch bệnh.


Miễn nhiễm cộng đồng nghĩa là một phần lớn trong cộng đồng phát triển được một mức độ miễn nhiễm đối với virus, do đó giảm bớt lây lan từ người sang người. Kết quả là, toàn thể cộng đồng được bảo vệ, không chỉ những người được miễn nhiễm.


Lây nhiễm tự nhiên và chủng ngừa


Có hai con đường tiến đến miễn nhiễm cộng đồng: lây nhiễm tự nhiên hay tiêm chủng.


Lây nhiễm tự nhiên có nghĩa là khi có một số lượng lớn mắc bệnh và phục hồi. Tuy nhiên, phạm vi của bảo vệ qua lây nhiễm tự nhiên đối với virus corona là chưa biết. Hơn nữa nhiều người sẽ chết trong thời gian chờ miễn nhiễm cộng đồng hơn là có được một vaccine chủng ngừa.


“Nguy cơ không thể chấp nhận được,” bà Catherine Bennett, chủ tịch khoa dịch tễ của Phân khoa Y tế Trường đại học Deakin ở Melbourne, nói.


“Chúng ta không thể chờ mọi người mắc bệnh để đạt được miễn nhiễm cộng đồng trong khi chúng ta biết quá ít về những hậu quả lâu dài.”


Chủng ngừa có thể giúp miễn nhiễm rộng rãi nhanh chóng hơn và tin cậy hơn.


Hiện chưa có vaccine chống COVID-19—chứng bệnh gây nên bởi virus corona chủng mới- dù những cuộc thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau đang được tiến hành trên toàn thế giới. Thông thường phải mất vài năm mới xác nhận được một vaccine, thử nghiệm, sản xuất và phân phối để sử dụng trong công chúng.


Các công ty chế tạo vaccine hy vọng rút ngắn đáng kể thời gian này đối với COVID-19 qua những cuộc thử nghiệm nhanh chóng hơn và sản xuất đại trà trước khi sản phẩm chứng tỏ thành công.


Các chuyên gia tin là nếu không có biện pháp nào khác được áp dụng, miễn nhiễm cộng đồng có thể được kích hoạt khi từ 50% đến 70% dân số được miễn nhiễm qua chủng ngừa. Mức chính xác tùy thuộc vào tỉ lệ hiệu nghiệm của vaccine, mà giới chuyên gia nói cao nhất là 70%.


Cân bằng phân phối vaccine


Cách thức vaccine được phân phối có ảnh hưởng đến tính hiệu nghiệm. Nếu chia sẻ không đồng đều—chẳng hạn như người giàu tiếp cận nhiều hơn những người trong những khu vực nghèo khổ--thì sẽ tạo nên những chuỗi an toàn nhưng để lại những khu vực rộng lớn những người dễ bị lây nhiễm.


Trong những giai đoạn phân phối sớm, ưu tiên cao hơn có thể dành cho các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu, hay những người được xem là dễ bị tổn thương—một tiến trình được gọi là chủng ngừa có chủ đích. Việc này có nguy cơ bỏ sót những người được xem như “siêu lây lan” như nhân viên chuyên chở công cộng.


“Chúng ta cần đảm bảo là chúng ta phân phối vaccine đồng đều trong dân chúng,” ông Joel Miller, giảng viên về toán ứng dụng tại Trường đại học La Trobe ở Melbourne, nói. Ông Miller dùng mẫu toán học để giúp các chính phủ và những tổ chức bất vụ lợi đưa ra những chính sách để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.


Hạn chế di chuyển


Di chuyển của mọi người cũng có ảnh hưởng đến việc virus lây lan.


Ở mức chủng ngừa thấp, con số những người bị rốt cuộc bị lây nhiễm tương tự trong một nhóm người lẫn lộn và di chuyển rộng rãi với một nhóm người tương đối không di chuyển nhiều. Tuy nhiên, việc lây nhiễm chậm hơn trong nhóm không di chuyển, kết quả là các chính phủ trên toàn cầu áp đặt các biện pháp đóng cửa.


Ngay cả khi tỉ lệ dân chúng được chủng ngừa cao, con số lây nhiễm có thể giảm bớt nhiều hơn nếu người dân hạn chế di chuyển.


Trong khi chờ đợi


Virus corona chủng mới lây lan chính yếu qua những hạt nhỏ văng ra khi một người ho, hắc xì hay ngay cả nói chuyện.


Cho đến khi có được vaccine, mang khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay có thể giảm thiểu lây lan và góp phần tạo nên miễn nhiễm cộng đồng.


Các nhà dịch tễ học phần lớn đồng ý là một phương pháp tổng hợp là cần thiết vì ngay cả khi vaccine được mang ra thị trường sớm cũng sẽ không chắc chắn hiệu nghiệm 100%.


“Đây là chuyện cộng gộp,” bà Bennett thuộc Trường đại học Deakin, nói. “Việc này cho chúng ta được bảo vệ thêm chống lây nhiễm cộng đồng. Tình hình tốt hơn tại những nơi những biện pháp tổng hợp được sử dụng.”