Vaccine của đại học Oxford có tín hiệu hứa hẹn
Một vaccine thử nghiệm do Astrazeneca và Trường đại học Oxford bào chế chống lại virus corona chủng mới đã phát sinh một đáp ứng miễn nhiễm trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bước đầu, dữ liệu cho thấy ngày 20/7, với hy vọng là vaccine có thể được dùng vào cuối năm nay.
Vaccine có tên AZD 1222, được khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới mô tả như là ứng viên hàng đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu chặn đứng đại dịch đã giết chết hơn 600.000 người.
Có hơn 150 vaccine tiềm năng đang trong nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, và công ty dược Pfizer của Mỹ và CanSino Biologics của Trung Quốc ngày 20/7 cũng cho biết có những đáp ứng tích cực về vaccine của hai công ty này.
Vaccine của Astrazeneca và Trường đại học Oxford của Anh cho thấy không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào và tạo ra kháng thể và miễn nhiễm của tế bào T, theo kết quả thử nghiệm công bố trên tạp chí y học Lancet, với đáp ứng mạnh mẽ nhất của những người nhận được hai liều vaccine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, mà chính phủ ông giúp tài trợ dự án, ca ngợi kết quả này là “tin rất tích cực” dù các nhà nghiên cứu dè dặt là dự án vẫn còn trong giai đoạn sớm.
Còn nhiều việc phải làm trước khi chúng tôi có có thể xác nhận là vaccine sẽ giúp kiểm soát được đại dịch,” nhà bào chế vaccine Sarah Gilbert nói. “Chúng tôi vẫn chưa biết được việc đáp ứng miễn nhiễm mạnh mẽ như thế nào mà chúng ta cần để bảo vệ chống lây nhiễm SARS-CoV-2.”
Chứng khoán của AstraZeeca tăng 10% nhưng xuống trở lại chỉ còn tăng 1,45% trong ngày.
AstraZeneca đã ký thỏa thuận với các chính phủ trên thế giới để cung cấp vaccine nếu vaccine hiệu nghiệm và được các nhà ban hành qui định chấp thuận. Công ty cũng ký những thỏa thuận để sản xuất và cung cấp hơn 2 tỉ liều thuốc tiêm, với 300 triệu liều dành cho Mỹ.
Ông Pascal Soriot, Giám đốc Điều hành của AstraZeneca, cho biết công ty đang trong tiến trình sản xuất các liều vaccine vào tháng 9, nhưng hy vọng có vaccine trong năm nay hay không tuỳ vào việc thử nghiệm giai đoạn cuối nhanh chậm thế nào khi mà số dân bị ảnh hưởng vì COVID đang sụt giảm tại Anh.
Thử nghiệm giai đoạn cuối cũng đang tiến hành tại Brazil và Nam Phi và sẽ bắt đầu tại Mỹ, nơi virus thường thấy cao hơn.
Nhắm mục tiêu hai liều
Kết quả thử nghiệm cho thấy có đáp ứng miễn nhiễm mạnh mẽ hơn trong 10 người được chích thêm một liều vaccine nữa sau 28 ngày.
Bà Gilbert thuộc Trường đại học Oxford nói giai đoạn thử nghiệm sớm không thể xác định được liệu một hay hai liều là cần thiết để cung cấp miễn nhiễm.
“Có thể chúng ta không cần hai liều, nhưng chúng ta muốn biết điều chúng ta có thể hoàn tất,” bà nói với các phóng viên.
Người đứng đầu sinh dược học của AstraZeneca, Mene Pangolos, nói công ty đang nghiên về phía chiến lược hai liều trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, và không muốn gặp nguy cơ một hay liều thấp có thể không thành công.
Cuộc thử nghiệm bao gồm 1.077 người trưởng thành khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 55, không có lịch sử nhiễm COVID-19. Các nhà nghiên cứu nói vaccine gây nên phản ứng phụ nhẹ nhưng một số phản ứng phụ này có thể giảm bớt bằng cách dùng thuốc giảm đau paracetamol, còn được gọi là acetaminophen.