Khoa học gia Oxford tăng tốc trong cuộc đua tìm vaccine COVI
Các nhà khoa học Trường đại học Oxford đang chạy đua tìm vaccine ngừa COVID-19 trước thời hạn tiêu chuẩn.
Họ tin tưởng có thể nhanh chóng làm việc này, nâng cao hy vọng trên toàn cầu là vaccine không phải chờ đến sang năm mới có.
Vaccine do Viện Jenner của Oxford được tiêm cho người lần đầu tiên trong tuần qua. Các nhà khoa học đang dự tính cho thử nghiệm chích vaccine hàng loạt trong hơn một tháng, khung thời gian nhanh hơn những nỗ lực phát triển vaccine khác.
Tờ New York Times ngày 27/4 loan tin nhóm khoa học gia này tính thử nghiệm lên hơn 6.000 người vào cuối tháng 5.
Toán Oxford nói mục tiêu của họ là nhằm sản xuất một triệu liều vaccine, nếu vaccine tỏ ra hữu hiệu, vào tháng 9, nhiều tháng trước thời hạn tiêu chuẩn là từ 12 đến 18 tháng thường được ngành y trên toàn thế giới nhắc đến.
Giáo sư Sarah Gilbert, trưởng toán của chương trình, nói bà “tin tưởng 80%” vaccine sẽ thành công.
Thử nghiệm đầu tiên đầy hứa hẹn
Với niềm tin này, Anh đã bắt đầu tài trợ cho việc phát triển rộng lớn, một hành động rủi ro về tài chánh nếu vaccine không hiệu nghiệm.
“Chúng tôi sẽ yểm trợ cho họ hết mình và trao cho họ những nguồn lực cần thiết để tạo cho họ cơ hội tốt nhất thành công,” Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói.
Niềm tin của nhóm nghiên cứu một phần dựa trên hiểu biết rằng những thành phần căn bản của vaccine đã được thay đổi về gen để không làm hại đến con người và đã chứng tỏ an toàn trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng trước đây.
Các cuộc thử nghiệm sơ khởi cũng cho thấy là vaccine hữu hiệu, trong đó có những thử nghiệm cho thấy vaccine có thể tạo ra đáp ứng miễn nhiễm trên loài khỉ rhesus macaque.
Vaccine được chế tạo từ virus cúm thông thường được biến cải để không thể tăng trưởng trong người. Các nhà khoa học đã thêm vào những protein từ virus corona mà họ hy vọng sẽ kích thích hệ thống miễn nhiễm của con người tạo ra kháng thể chống protein, kháng thể này sau đó sẽ bảo vệ con người chống virus.
Thử nghiệm về những thành phần căn bản của virus đã tiến hành trong nhiều năm trong khuôn khổ nỗ lực tìm ra vaccine chống bệnh sốt rét. Bà Gilbert dùng loại virus được điều chỉnh tương tự để chế tạo vaccine chống một virus gây bệnh MERS trước đây. Thử nghiệm lâm sàng loại vaccine đó tỏ ra đầy hứa hẹn.
Một lý do chính để vaccine Oxford có thể nhanh chóng qua giai đọan thử nghiệm là những yếu tố căn bản của vaccine đã được thử nghiệm mạnh mẽ trên người.
Những thách thức
Để cho dữ liệu vaccine được hữu hiệu, những người được thử nghiệm phải chứng tỏ không lây nhiễm vaccine từ môi trường chung quanh. Tuy nhiên, nếu bệnh không lây lan tự nhiên chung quanh họ, thì thử nghiệm có thể chứng tỏ liệu vaccine có tạo ra sự khác biệt hay không, hay phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được kết luận.
Các nhà nghiên cứu nói nếu không thể đạt được kết quả thuyết phục tại Anh, họ có thể phải bắt đầu thử nghiệm tại nơi khác trên thế giới nơi virus lây lan nhanh chóng hơn.
Hướng dẫn về đạo đức thường cấm các nhà khoa học tiêm vào những người khỏe mạnh một mầm bệnh nguy hiểm.
Có hơn 100 nỗ lực trên toàn thế giới để chế tạo vaccine ngừa virus corona nhưng chỉ có một số ít bắt đầu thử nghiệm trên người.
Công ty Moderna tại Mỹ là công ty đầu tiên bắt đầu những cuộc cuộc thử nghiêm lâm sàng nhỏ vào tháng 3, nhưng những cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn hơn trên người chưa bắt đầu.
Những nỗ lực khác do công ty Trung Quốc CanSino, và một đối tác giữa công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech và công ty dược Pfizer của Mỹ thực hiện.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết cách đây nhiều năm từng tiến gần đến việc chế tạo một vaccine chống virus corona để ngừa hội chứng hô hấp trầm trọng, hay SARS, nhưng việc tài trợ cạn kiệt khi SARS biến mất sau khi giết chết hơn 770 người trên toàn thế giới.