G-20 gây quỹ 8 tỉ đô để chống virus corona
Khối G-20 kêu gọi “tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, lãnh vực tư, các định chế nhân đạo, và cá nhân” đóng góp vào quỹ của khối trong nỗ lực chống COVID-19, với mục tiêu là 8 tỉ đô la.
Ngày 24/4, G-20 tuyên bố đã quyên góp được 1,9 tỉ đô la tại diễn đàn quốc tế dành cho các chính phủ, thống đốc ngân hàng 19 nước và Liên hiệp Châu Âu. Ả rập Xê út, hiện là chủ tịch G-20, đóng góp 500 triệu đô la.
“Những thách thức toàn cầu đòi hỏi những giải pháp toàn cầu, và đây là lúc chúng ta sánh vai và cùng nhau hỗ trợ việc chạy đua tìm vaccine và những biện pháp chữa trị khác để chống COVID-19, đại diện Ả rập Xê út tại G-20, Sherpa Fahad Almubarak, nói.
“Chúng ta ca ngợi những nỗ lực tài trợ hiện nay trên toàn cầu và nhấn mạnh đến sự cần thiết lấp đầy khoảng cách tài chánh.”
Anh loan báo đã tiến hành thử nghiệm vaccine chống virus corona trên người đầu tiên tại Châu Âu.
Ngày 23/4, hai người tình nguyện được chích vaccine tại thành phố Oxford, nơi đội ngũ của một trường đại học đã chế tạo vaccine chưa đầy 3 tháng. Hàng trăm người tình nguyện khác sẽ được chích vaccine thử nghiệm, và số người tương tự sẽ được chích vaccine ngừa bệnh viêm màng não để có thể so sánh các kết quả. Người tình nguyện sẽ không được cho biết được chích vaccine nào.
Cuộc thử nghiệm đưa ra hy vọng mới vào lúc một loại thuốc chống virus corona tỏ ra vô hiệu đối với bệnh nhân tại Trung Quốc. Trong một cuộc thử nghiệm ‘hên xui’, Remdesivir, một loại thuốc được công ty Gilead Sciences có trụ sở tại California sản xuất, không chứng tỏ bất cứ hiệu quả nào đối với bệnh nhân COVID-19 và cũng thất bại không làm giảm sự hiện diện của virus trong máu bệnh nhân.
Mỹ thử nghiệm vaccine lần đầu tiên vào tháng 3 tại Seattle, tiểu bang Washington.
Canada, Nga và các nước khác cũng đang chế tạo vaccine, nhưng các chuyên gia nói ngay cả khi một vaccine thành công được tìm ra, việc sản xuất và phân phối cũng mất nhiều thời gian hơn.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine không hiệu nghiệm trong việc chống virus và có thể gây nguy hại cho bệnh nhân COVID-19. Tổng thống Donald Trump trước đây quảng bá thuốc này sẽ ‘thay đổi cục diện’ trong việc điều trị COVID-19. Hôm 23/4, ông Trump phủ nhận thay đổi quan điểm.
“Chúng ta có nhiều kết quả rất tốt, và chúng ta có một số kết quả có lẽ chưa tốt. Tôi không biết, Tôi chỉ đọc về một loại,” ông Trump nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Tổng thống cũng nói ông có thể gia hạn những hướng dẫn về cách ly xã hội qua khỏi ngày 1/5 nếu ông cảm thấy nước Mỹ chưa an toàn.
Trưa ngày 24/4, ông Trump ký gói cứu trợ 484 tỉ đô la được Hạ viện thông qua một ngày trước. Gói cứu trợ được Thượng viện thông qua trước đây trong tuần và sẽ đảm bảo hỗ trợ thêm nữa cho doanh nhiệp nhỏ vay tiền, giúp các bệnh viện và nới rộng xét nghiệm COVID-19..
Chưa có thứ thuốc nào chứng tỏ có thể chữa được COVID-19, các giới chức y tế trên toàn cầu khuyến nghị những biện pháp bảo hộ như giữ gìn vệ sinh, giữ cách ly xã hội và mang khẩu trang và găng tay.
Tuy nhiên người dân tại nhiều nơi tỏ ra mệt mỏi với những hạn chế dù các ca lây nhiễm ngày càng tăng.
Tại một vài nước Châu Âu, những ca lây nhiễm mới giảm dần và đang chuẩn bị dần dần mở cửa các doanh nghiệp và nới lỏng những hạn chế.
Một số tiểu bang Mỹ cũng có những kế hoạch tương tự.
Thống đốc Georgia Brian Kemp cho phép một số cơ sở làm ăn buôn bán mở cửa trở lại ngày 24/4. Các chính trị gia và các giới chức y tế yêu cầu ông Kemp xét lại quyết định, nhưng Tổng thống Trump ủng hộ hành động của ông Kemp.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo ngày 23/4 về virus corona, Tổng thống nói ông “không hài lòng” với việc ông Kemp bật đèn xanh cho các tiệm xăm hình, phòng tập thể dục, các nơi đánh bowl và các tiệm xoa bóp tắm hơi mở cửa trở lại ngày 24/4.
Một số doanh nghiệp ở Georgia cho rằng còn quá sớm để mở cửa và họ sẽ không hoạt động trở lại trong ngày 24/4 dù đang đối mặt với sự sụp đổ tài chánh.
Có ít nhất 2,7 triệu ca virus trên toàn cầu và hơn 190.000 người chết vì virus corona, theo đại học Johns Hopkins tại tiểu bang Maryland.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson và Thái tử Charles bị nhiễm virus corana nhưng đã bình phục.
Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren ngày 23/4 loan báo anh cả của bà qua đời vì COVID-19 hôm 21/4. Bà Warren là cựu ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.
Chính phủ Úc kêu gọi các nước G-20 đẩy mạnh việc hủy bỏ các chợ động vật hoang dã mà nhiều người cho rằng nguy hại đến sức khỏe con người, cũng như cho động vật.
Virus corona ảnh hưởng tai hại lên kinh tế toàn cầu, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế và những tổ chức khác cảnh báo là các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng tệ hại nhất.
Cơ quan lương thực Liên hiệp quốc dự đoán có khoảng 25 triệu người sẽ chịu nạn đói cấp tính trong năm nay, gấp đôi năm ngoái.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi các chính phủ đảm bảo là mọi người được chăm sóc sức khỏe và rằng những gói trợ giúp kinh tế tới tay những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.