Chấm dứt phong tỏa sao cho hữu hiệu?
Các chính phủ đang chống lại virus corona ngày 14/4 đặt hy vọng vào xét nghiệm, công nghệ và một phương án phối hợp để giảm bớt những hạn chế về cách ly xã hội tuy làm dịch chậm lại nhưng đã bóp nghẹt kinh tế toàn cầu.
Trong khi Liên hiệp Châu Âu tìm cách tạo nên một ứng dụng trên điện thoại thông minh về COVID-19 có thể hoạt động trên toàn khối, các thống đốc Mỹ ở hai bên bờ đại dương đều hứa làm việc với nhau trong kế hoạch chấm dứt việc giữ hàng triệu người ở nhà. Quan ngại chính là tránh những điểm nóng virus corona mới và việc lây nhiễm bùng phát. Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng những hạ tầng cơ sở như thế trong khi vẫn còn giữa cơn khủng hoảng đại dịch là một vấn đề cam go.
Tại Ấn Độ, ngày 14/4 chính phủ gia hạn việc đóng cửa lớn nhất thế giới đối với 1,3 tỉ người thêm 2 tuần nữa cho đến 3/5 đối với hầu hết các nơi trong nước trong lúc Ấn ghi nhận hơn 10.000 ca lây nhiễm.
Trung Quốc đang đối mặt với vụ bùng phát mới tại biên giới phía bắc với Nga, xa trung tâm dịch Vũ Hán. Biên giới rộng lớn này đã đóng cửa và các đơn vị y tế khẩn cấp đã đổ dồn đến khu vực để ngăn những lữ khách mang virus từ nước ngoài trở lại.
Những ca lây nhiễm mới dường như không tăng nữa tại hầu hết Châu Á và Châu Âu, kể cả Ý, Pháp và Tây Ban Nha.
Ngay cả tại New York—với hơn 10.000 người chết tính đến ngày 13/4—Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố tình trạng tệ hại nhất đã qua. Tổng cộng có hơn 23.000 người chết tại Mỹ với 582.000 người được xác nhận lây nhiễm, theo Trường đại học Johns Hopkins.
Với việc cách ly xã hội và đóng cửa được áp dụng trên phần lớn thế giới, dự đoán đen tối là virus sẽ lan tràn sang những góc khác của thế giới chưa thành hình trên thực tế. Tuy nhiên với những cuộc xét nghiệm về kháng thể sâu rộng để quyết định có bao nhiêu người miễn nhiễm đối với virus, các chính phủ e ngại rằng nới lỏng cách ly xã hội có thể đưa đến bùng phát mới.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 14/ 3 kêu gọi dùng một ứng dụng điện thoại thông minh trên 27 nước EU để giúp các nước phối hợp như thời điểm và cách thức nới lỏng những biện pháp đóng cửa vì đại dịch.
“Ðiều quan trọng là chúng ta không đạt đến tình trạng hỗn độn với 27 ứng dụng corona và 27 chế độ bảo vệ dữ liệu mà phối hợp tốt nhất,” ông nói với tập đoàn truyền thông Funke của Đức.
Ông Maas nói một ứng dụng theo dõi đã được phát triển chung bởi một vài nước cho thấy EU “không phải sao chép phương thức Anh Cả của các quốc gia chuyên chế” nhưng thay vào đó, có thể bảo đảm tính cách riêng tư của cá nhân và sức khỏe của công chúng cùng một lúc.
Người đứng đầu Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức, nói trao đổi thông tin giữa các nước và các định chế là chìa khoá quan trọng để chống lại dịch bệnh. Ông Lothar Wieler ngày 14/4 cho biết tổ chức của ông tiếp xúc thường xuyên với các tổ chức khác để chia sẻ biện pháp nào hữu hiệu trong việc ngăn virus lây lan, làm thế nào để xét nghiệm lây nhiễm, những nghiên cứu vaccine nào được tài trợ và làm thế nào để bảo vệ tốt nhất các thành phần dân chúng dễ bị ảnh hưởng.
Apple và Google trong tuần qua loan báo một nỗ lực chung để giúp các cơ quan y tế công cộng trên toàn thế giới tận dụng tối đa điện thoại thông minh bằng cách sử dụng công nghệ vô tuyến Bluetooth theo dõi sự tiếp xúc của những người bị lây nhiễm để làm chậm sự lây lan của virus. Việc này có thể được áp dụng trên iPhone và Android Phone. Ứng dụng sẽ thu thập tín tức của các điện thoại khác khi đến gần nhau.
Tại Trung Quốc, nơi các ca virus mới đã giảm bớt, cuộc sống bị chi phối bởi một biểu tượng màu xanh lá cây trên màn hình của điện thoại thông báo người sử dụng không có triệu chứng lây nhiễm virus và có thể đi xe điện ngầm, ở khách sạn hay đi tới Vũ Hán, thành phố với 11 triệu dân nơi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 12/2019.
Hàn Quốc và Israel đều tích cực dùng dữ liệu điện thoại thông minh để truy tìm hoạt động của những người lây nhiễm virus. Tuy nhiên, một cách tổng quát, các nhà dịch tễ học nói theo dõi tiếp xúc chỉ có thể hữu hiệu với việc xét nghiệm sâu rộng, nhưng cũng khó khăn đối các nước giàu như Mỹ và Anh.
Các chuyên gia nói tỉ lệ lây nhiễm vẫn còn tương đối thấp tại những khu vực các nước đang phát triển với hạ tầng cơ sở chăm sóc y tế nghèo nàn hay không có và ít có những nguồn lực để truy tìm việc tiếp xúc với những bệnh nhân virus corona.
Việc lây lan nhanh chóng virus corona vượt qua ranh giới các thành phố đến khu vực nông thôn tùy thuộc vào việc đi lại và giao tiếp xã hội, bác sĩ Mike Ryan, người đứng đầu khẩn cấp của WHO, nói. Việc này có thể giải thích tại sao Đức và Thụy Sĩ, với hệ thống xe điện có tầm mức trên thế giới, có hơn 155.000 ca lây nhiễm giữa hai nước.
Tuy nhiên ông nói thường những vùng quê ít có hệ thống theo dõi sức khỏe tiên tiến để tìm ra được những chuỗi có khả năng nhiễm bệnh.
Ông Johnston, một giáo sư Đại học Hoàng Gia, nói ông lo ngại là virus có thể lan sang Châu Mỹ Latin, Châu Âu và Đông Nam Á. Ông cũng quan tâm đến Nga.
Dù không có chiến lược phối hợp để ‘thoát virus’, tại một số nước Châu Âu, các giới chức chỉ ra những dấu hiệu tích cực vào lúc họ bắt đầu chuẩn bị mở lại nền kinh tế và công nghiệp bị đóng cửa.
Ý báo cáo mức lây nhiễm hàng ngày giảm thấp nhất trong nhiều tuần lễ, cho thấy khuynh hướng giảm dần. Một số lĩnh vực sắp thực hiện việc nới lỏng hạn chế một chút như cho phép các tiệm bán đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh mở cửa trở lại.
Tại Tây Ban Nha, quốc gia bị virus tác hại nặng nề, công nhân ngày 13/4 trở lại làm việc tại một số nhà máy và xây dựng. Các tiệm bán lẻ và dịch vụ vẫn còn đóng cửa và chính phủ yêu cầu nhân viên các văn phòng tiếp tục làm việc tại nhà.
Tai Mỹ, các thống đốc tại vùng Đông Bắc và dọc bờ biển phía Tây loan báo những ảnh hưởng khác nhau để phối hợp tái mở cửa.