Bịnh Covid-19 và trẻ em
Chúng ta đang tràn ngập tin về dịch bịnh do siêu vi Corona SARS-CoV-2 gây ra. Bịnh này gọi là Covid-19 đang ở mức dịch toàn cầu (pandemic), có chừng 120 ngàn người mắc bịnh và trên 4.000 người chết trên thế giới, với chừng 1.200 ca ở Mỹ với 38 người chết (12/3/2020).
Tin tức đáng khích lệ là trẻ em tương đối ít bị ảnh hưởng, và sau đây là một số tin tức sơ khởi:
1) Theo Tổ chứ Y tế Thế giới (WHO), chỉ có 2,4% ca Covid-19 là dưới 19 tuổi.
2) Dưới 19 tuổi, chỉ có 2,5% bịnh nặng (severe), và 0,2% rất nặng (critical)
3) Cho đến tháng 2/2020 chưa có trường hợp tử vong dưới 9 tuổi
4) Rất đông trẻ em bị nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Một trẻ em 10 tuổi cùng gia đình đến viếng Vũ Hán, lúc về lại Thẩm Quyến (Shenzhen, gần Hồng Kông), người lớn từ 33-66 tuổi bị nóng sốt, đau họng, tiêu chảy, sưng phổi, nhưng em thì không có dấu hiệu gì cả, chụp X quang mới thấy sưng phổi.
4) Câu hỏi quan trọng là các em này có truyền bịnh cho người lớn hay không. Hiện nay chưa có câu trả lời. Trẻ em và thanh thiếu niên hiếu động và nếu họ đem vi khuẩn từ người này qua người khác, có thể đây là một khía cạnh quan trọng cần chú ý trong nỗ lực ngăn chặn phân tán bịnh. Cho nên, một số nơi đóng cửa trường học mặc dù trẻ em không bịnh nhiều và ít khi bịnh nặng. Đóng cửa trường học còn có hậu quả kinh tế như cha mẹ không đi làm được, trẻ em nghèo không được ăn miễn phí tại trường, có thể làm thiếu hụt nhân viên y tế thêm, và trẻ em thì không đi học sẽ tìm cách tụ tập với nhau, đá banh, hội họp không tránh hoàn toàn được tiếp xúc xã hội.
5) Tại sao? Có thể trẻ em sức khỏe tốt hơn, ăn ngủ tốt hơn. Người lớn có thể bị áp huyết cao, tiểu đường, bị stress nhiều, bị bịnh phổi (rất quan trọng vì ở Trung Quốc, nơi phát xuất bịnh này, ô nhiễm không khí nặng và đàn ông hút thuốc lá nhiều), các bịnh khác hay dùng thuốc làm giảm sức đề kháng.
Một khía cạnh khác: Người ta nghĩ rằng một phần nhất định của tác hại trên phổi bịnh nhân Covid-19, nhất là các trường hợp sưng phổi rất nặng cần máy thở (ventilator) và gây chết người, là do sự xung đột quá mạnh mẽ giữa hệ miễn nhiễm và virus. Hệ miễn nhiễm tung ra chiến trường quá nhiều tế bào tấn công (hyperactive immune system) và ào ạt tấn công luôn những tế bào phổi lân cận (collateral damage, kẻ không liên quan bị hại lây). Có thể là ở trẻ em, hiện tượng “người bàng quan bị hại” này ít xảy ra hơn.
Phụ nữ ít bị bịnh hơn so với nam giới (100/106 ở Trung Quốc)
6) Có nhiều bịnh do siêu vi khác mà trẻ em bị nhẹ hơn như:
- bịnh trái rạ (thuỷ đậu, varicella, chickenpox), trẻ em lúc vài tuổi bịnh rất nhẹ, người lớn bịnh nặng hơn nhiều.
- bịnh cúm: tuy hàng ngàn trẻ em nằm nhà thương vì cúm mỗi năm, số chết rất ít so với người lớn nhất là người già (năm 2019-2/2020; 136 trẻ em chết so với 12,000 người lớn ở Mỹ)
- MERS (Middle East Respiratory Syndrome, Hội chứng hô hấp Trung Đông) (Saudi Arabia 1012, Korea 2015); SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome) (2002-2003, Guangdong, China ). (Hai bịnh này đều do virus loại corona: MERS-CoV và SARS-CoV)).
1) Why the New Coronavirus (Mostly) Spares Children
2) Detection of Covid-19 in Children in Early January 2020 in Wuhan, China
3) Who is getting sick, and how sick? A breakdown of coronavirus risk by demographic factors
4) Here’s what coronavirus does to the body
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 12 tháng 3 năm 2020