Page 1 of 1

Bệnh tiểu đường

PostPosted: Wed Jan 11, 2012 1:36 pm
by NewsReporter
VOA - Health













<!--IMAGE-LEFT-->Chuyên gia phụ trách giải đáp mục Hỏi Đáp Y Học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Chúng tôi có nhận được một email của một thính giả ở Việt Nam không nêu danh tính, và được bác sĩ Hồ văn Hiền trả lời:
Bịnh tiểu đường.
Tiếng Việt chúng ta dùng những từ sau đây:
Đái tháo đường, dể dịch toàn bộ từ la tinh diabetes mellitus. Diabetes nghĩa gốc Hy lạp là đi ngang qua, có nghĩa là đi tiểu rất nhiều, nước uống vào thì được người bịnh đi tiểu thẳng ra, mellitus là ngọt, có pha mật. Có một bịnh đái tháo lạt (diabetes insipidus) làm bịnh nhân tiểu rất nhiều nhưng do thận người đó không cô đọng nước tiểu được, một cơ chế hoàn toàn khác.
Nói ngắn lại, chúng ta có thể gọi là “bịnh đái đường”, hay “bịnh tiểu đường”.
Nguyên nhân:
Trong bụng chúng ta có một bộ phận tên là tụy tạng (tuyến tụy, pancreas) dài như ngọn lá, chừng 15 cm, nằm sau bao tử và bên trái đầu ruột non. Tuyến này có những cụm tế bào beta (beta cells) nằ m trong những cụm gọi là “đảo Langherhans” (islets of Langerhans) tiết vào máu một chất nội tiết gọi là insulin (nghĩa đen là chất từ các “đảo nhỏ” tiết ra).
Trong dòng máu chúng ta, có glucose là chất đường đơn giản được hấp thụ từ thức ăn (vd nho) hoặc chế biến từ đường ăn (sucrose) các chất tinh bột (carbohydrates) rút ra từ thức ăn.
Glucose là nguồn năng lượng duy nhất của bộ não, và là nguồn năng lượng chính của các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào “đốt” glucose bắng cách oxy hóa glucose. Muốn làm việc này, trừ tế bào não bộ, các tế bào cần tác dụng của insulin để lấy glucose từ máu ra.
1. Nếu không đủ insulin, như trường hợp các tế bào beta cells của tụy tạng là nơi sản xuất insulin bị hư hại, mức insulin được sản xuất tụt xuống gần 0. Loại này gọi là tiểu đườngtype 1 (type I diabetes). Phần lớn do một tác dụng tự miễn nhiễm (autoimmune mechanism). Đa số các trường hợp trẻ con (preschool children) và thiếu niên bị tiểu đường bị loại này (trước đây gọi là juvenile diabetes). Di truyền và môi trường (vd nhiễm siêu vi Cocksakie 4) đều quan trọng, bịnh nhân thường mạnh khỏe, không bị béo phì (obesity), đột ngột phát bịnh.
2. Hoặc nếu có đủ insulin, hoặc thiếu chút ít, trong máu nhưng tế bào không phản ứng với insulin (reduced insulin sensitivity, insulin resistance). Giả thuyết cho rằng tế bào có những insulin receptor (thụ thể) để thu nhận insulin, nhưng vì các thụ thể này không chấp nhận insulin nữa nên insulin không tác dụng được (tương tự như chúng ta có chìa khoá mở cửa, nhưng vì khóa cũ, sét nên chìa khoá không mở được). Trường hợp này là tiểu đường type 2 (type 2 diabetes), thường gặp hơn type 1 nhiều (90% các trường hợp). Bịnh nhân thường lớn tuổi hơn (trung niên, trên 40 tuổi), mập, ít vận động. Do dịch bịnh mập ở trẻ em ở Mỹ, càng ngày càng có nhiều bịnh nhân trẻ tuổi hay trẻ em mắc bịnh này.
Hai trường hợp này, đều dẫn tới việc glucose ứ đọng trong máu và mức đường glucose trong máu (glycemia, blood glucose level) tăng dần.
Bình thường, lúc nhịn đói, mức glucose này là 5 millimole/lít plasma (dưới hoặc ngang 6.1 mmol/lít, hoặc 110mg/dl), nếu cao đến hoặc trên 7 millimol/lít (126mg/dl), thì chúng ta nói người đó bị bịnh tiểu đường. Đến mức trên 10 mmol/lít, thận không đủ sức giữ lại đường trong máu, đường glucose tràn ra nước tiểu, kéo thêm thật nhiều nước được thải ra, bịnh nhân đi tiểu rất nhiều (polyuria), bị mất nước (dehydration), sụt cân. Trong lúc đó bịnh nhân cố ăn nhiều thêm và uống nhiều thêm để bù lại, tạo nên 3 chữ "nhiều (poly)” cổ điển của bịnh tiểu đường ; ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều (polyphagia, polydipsy, polyuria). Cơ thể không dùng được glucose, đổi qua dùng chất mỡ, đốt mỡ để tạo năng lượng cần thiết, tạo nên những chất ketone làm nhiễm acid (ketoacidosis), bịnh nhân có thể mê man, chết nếu không chữa kịp thời. Lâu dài, bịnh tiểu đường gây hư hại các động mạch, các dây thần kinh, làm tổn hại các bộ phận quan trọng như tim, thận, mắt.
Chữa trị
1) Thuốc men làm hạ đường (hypoglycemic agents):
a) Thuốc kích thích tạng tiết insulin nhiều hơn. Dùng cho tiểu đường type 2, vì trong type 1, tế bào beta còn rất ít. Tiêu biểu; loại sulfonylureas, như Chlorpropamide (diabinese), glyburide (Micronase)
b) Thuốc làm giảm sản xuất glucose ở gan (gluconeogenesis), tiêu biểu là metformin (Glucophage). Metformin không được dùng nếu cơ năng gan, thận bị yếu. Phản ứng phụ thường gặp là triệu chứng tiêu hoá (biếng ăn, ói mữa, đau bụng, tiêu chảy).
c) Thuốc làm tế bào trở nên nhạy cảm với tác dụng của insulin.
d) Thuốc làm giảm hấp thụ glucose ở ruột
e) Một loại hormone do ruột tiết ra (guts hormone) lúc người bịnh uống glucose, chất này gọi là glucagon-like peptide 1(GLP-1) và có khả năng kích thích tuyến tùy tạng sản xuất thêm insulin. Có những thuốc tác dụng tương tự như GLP-1 (GLP-1 agonist), làm tăng insulin, và giảm đường máu.Một thuốc chích (exenatide) tổng hợp theo một chất trong nọc độc được trích ra từ nước miếng một con thằn lằn độc Gila (đọc là [hi lơ]) monster miền tây nam Hoa kỳ, thuốc làm giảm cân và có thể có khả năng phục hồi trí nhớ (như trong bịnh Alzheimer).
2) Insulin, dùng cho tiểu đường type 1, hoặc type 2 nếu dùng chế độ ăn uống và các thuốc hạ đường huyết nói trên mà vẫn không đủ insulin do cơ thể sản xuất để điều hoà đường máu. Insulin cần chích và có nhiều dạng khác nhau. Insulin được sản xuất nhân tạo Loại insulin có tác dụng nhanh kéo dài chừng 3-4 tiếng, loại tác dụng dài chừng 24 tiếng. Cần chích hoặc dùng máy bơm (portable insulin infusion pumps), tuy nhiên đến nay vẫn chưa bắt chước được sự điều chỉnh sản xuất insulin tự nhiên theo nhu cầu của cơ thể lành mạnh.
3) Ghép tụy tạng (pancreas transplantation) từ người khác (thường cùng với ghép thận)
4) Cấy tế bào đảo tùy tạng (islet cell transplantation) của nhiều người cho (donors), bơm vào tỉnh mạch cửa của gan. Được thực hiện trên một số ít bịnh nhân ở Canada.
5) Chế độ dinh dưỡng cho bịnh nhân mắc chứng tiểu đường với mức đường máu không ổn định.
Bác sĩ gia đình cần theo dõi kỹ lưỡng và ngoài ra cần một chuyên viên về ẩm thực có khả năng (registered dietician) hướng dẫn về cách ăn uống để giúp bịnh nhân giữ đường máu trong mức chấp nhận được, không quá cao mà không quá thấp. Đường máu quá cao có thể gây những tai biến nguy hiểm (tiểu quá nhiều, mất nước [dehydration], mê man do acidosis do ketone quá nhiều trong máu (diabetic ketoacidosis). Bịnh nhân có thể dùng thuốc căn cứ trên mức đường huyết kiểm tra hằng ngày. Có thể cách đối phó với các mức đường huyết đó cần được bác sĩ của bịnh nhân điều chỉnh lại thường xuyên. Một cách để có được một cái nhìn tổng quát về tình trạng đường trong máu là thử nghiệm đo hemoglobin A1C trong máu. Mức A1C phản ảnh mức độ kiểm soát bịnh tiểu đường trên một khoảng thời gian dài, thay vì những mẫu máu lẻ tẻ đo đường trong máu đo đường máu chỉ phản ảnh mức đường trong một thời điểm nhất định. Nên được giữ A 1C dưới 7, ở người già có thể nới rông hơn một chút.
Nên cho bs của bịnh nhân biết thêm về cách ăn uống của bịnh nhân và lối sinh hoạt của bịnh nhân nói chung.
Bác sĩ và chuyên viên dinh dưỡng có thể cần những tin tức sau đây để quyết đình thích hợp hơn:
- Bn ăn gì lúc ăn sáng, trưa, chiều, tối, trước khi đi ngủ
- Bn thường uống nước gì, bao nhiêu, lúc nào: Ví dụ bịnh nhân uống nước ngọt (soda), nước trà đường, ăn chè nhiều quá, thì bs có thể đề nghị thay thế bằng những chất ngọt nhân tạo (artificial sweeteners) ít calories.

Tóm lại, bịnh nhân nên nhờ một bs và nếu có thể chuyên viên dinh dưỡng theo dõi thường xuyên.

- Nên giữ vận động cơ thể đều đặn càng tốt.
- Nên ăn làm nhiều bữa, đều đặn, đừng trồi sụt nhiều quá trong số lượng calories hấp thụ. Nếu bịnh nhân không muốn ăn, cần thay đổi thức ăn, kiểm tra xem có bịnh gì về răng, hoặc các bộ phận khác hay không.
- Nên chọn những thức ăn lành mạnh (healthy food), ít đường bột tinh chế, nên ăn rau cải, trái cây (trừ các thứ có nhiều đường như dưa hấu) và các loại hạt, đậu.
- Tránh các mỡ bò, heo, nên ăn dầu olive (thực vật).
- Ăn thịt vừa đủ.
- Nên theo dõi Hemoglobin A1C của mình.
- Nếu bị áp huyết cao cần nhờ bs theo dõi và điều trị nếu bs thấy cần.

Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.