Thính giả Thành Nguyễn hỏi:
"Thưa Bác sĩ,
Một năm nay em có sử dụng ma túy thuốc lắc. Sau khi cai được một thời gian, em thấy cơ bắp giật khắp cơ thể. Em ngần ngại khi nói chuyện nói lắp bắp. Bác sĩ cho em hỏi em bị bệnh gì ạ.
Cảm ơn Bác sĩ"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Thuốc lắc (hay “Ecstasy”, “Molly”) là một loại “thuốc” bất hợp pháp có thành phần chính là Methylenedioxy-Methamphetamine (viết tắt: MDMA), Thuốc lắc là một loại thuốc bất hợp pháp có thành phần chính là nhưng tỷ lệ MDMA có thể thay đổi rất nhiều, và thường được pha trộn với nhiều chất khác, có thể là những chất độc hại hơn, nguy hiểm hơn MDMA. Người dùng thuốc có thể nghĩ rằng mình đang dùng MDMA tinh khiết và tương đối an toàn , nhưng thật ra không phải như vậy, trong viên thuốc mà họ uống có thể có những chất nguy hiểm hơn rất nhiều. Các nhà khảo cứu về thuốc lắc cũng khó đi đến kết luận dứt khoát vì thuốc lắc không phải là một loại thuốc được định chuẩn,
MDMA là một dạng ma túy được chế tạo tổng hợp lần đầu tiên từ năm 1910, và năm 1912 công ty dược Merck (Đức) tung ra thị trường dưới dạng dược phẩm có mục đích ức chế cảm giác thèm ăn. Sau đó thuốc được dùng để hỗ trợ cho tâm lý trị liệu vào thập niên 1970, nhờ tác dụng làm tăng sinh lực, khả năng đồng cảm (empathy) với người khác và tạo nên khoái cảm. Đến thập niên 1980, thuốc này trở thành phổ thông “ngoài đường phố” (street drug), trong các hộp đêm hộp đêm, party ăn chơi (“raves”: chơi suốt đêm đến sáng) và khiêu vũ theo nhạc điện tử. Thuốc được trộn lẫn với các chất tác dụng thần kinh khác như ephedrine, amphetamine, methamphetamine. Nội trong một giờ, thuốc lắc có thể nhanh chóng tạo ra cảm giác tăng năng lực, hưng phấn, ấm áp cảm xúc và đồng cảm với người khác. Thời gian và không gian dường như bị bóp méo. Những tác động khó chịu bao gồm các cơn hoảng loạn, cảm thấy bồn chồn và không ngủ được.
Tác dụng làm tim đập nhanh và huyết áp cao có thể gây nguy hiểm. Đổ mồ hôi nhiều và sốt có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, có thể gây suy thận, có thể dẫn đến tử vong. Nhịp tim không đều, đau tim và co giật có thể xảy ra và làm chết người. Môi trường nóng, đông đúc với rất nhiều người nhảy múa điên cuồng có thể nguy hiểm cho người đang dùng thuốc lắc.
Những người sử dụng "thuốc lắc" cần được theo dõi kỹ để ngăn ngừa tai biến, biến chứng. Nếu bịnh nhân trở nên rất nóng và ra mồ hôi, với nhịp tim nhanh, phải gọi 911 để được giúp đỡ ngay lập tức. Nạn nhân của thuốc lắc cần được hạ nhiệt nhanh chóng và truyền dịch IV để ngăn ngừa tổn thương thận. Tất nhiên, cũng nên gọi 911 nếu họ bị co giật hoặc bất tỉnh.
Thuốc lắc hay ecstasy là một thuốc gây nghiện, người bịnh cứ phải đi tìm thuốc để dùng, không cưỡng lại được, và trong não bộ có những thay đổi về cơ năng cũng như về phân tử do thuốc gây ra.
Thuốc gây khoái cảm nhưng dần dần bịnh nhân bị lờn thuốc (tolerance, “dung nạp”) và càng ngày càng đòi hỏi một liều thuốc cao hơn mới đem đến được một khoái cảm nhất định, cũng như không còn hứng thú gì trong những sinh hoạt khác mà trước đây đem lại cảm hứng. Bịnh nhân bị lệ thuộc vào thuốc và nếu ngưng sẽ bị những triệu chứng thuốc hành như trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi và "nhớ" thuốc không chịu được (craving).
Ở Mỹ hết 7% dân số từng xài thuốc MDMA và mức độ phổ thông chỉ sau các chất cần sa và ma túy (opioid). Theo wikipedia tiếng Việt, những tên khác của MDMA là “viên lắc, thuốc điên, viên chúa, viên hoàng hậu, max, xì cọp, ecstasy, mecsydes, kẹo v.v.”(1). Những tên khác ở Việt Nam là: "bướm đêm", "bay" "bánh", "kẹo","nốt lạc", "vương miện","tim lồng", hay "chó dại” tuy theo hình ảnh in trên viên thuốc. Thuốc lắc có thể có trên thị trường dưới dạng viên màu trắng, đỏ, xanh,….
Về câu hỏi của vị thính giả, chúng ta không biết vị thính giả dùng thuốc lắc này dưới dạng gì, có xài chung với thuốc khác hay không, bịnh nhân có bịnh sử như thế nào, dùng thuốc trong bao nhiêu lâu, và cai như thế nào, được bao nhiêu lâu cho nên chúng ta không thể cho câu trả lời chính xác được. Chỉ có bác sĩ của bịnh nhân là có thể đi đến một định bệnh hợp lý.
Trên thế giới có chừng 21 triệu người từ 15-64 tuổi dùng thuốc này, tuy nhiên tôi không tìm ra được khảo cứu nào nói về tác dụng lâu dài của thuốc lắc trên não bộ. Cho nên chúng ta nhân đây sẽ tìm hiểu về tác dụng về lâu dài của methamphetamine (thuốc đá), có thể có những tác dụng tương tự trên não bộ vì cùng nhóm amphetamin, chỉ khác thuốc lắc đi vào não bộ dễ dàng hơn và nhanh hơn, gây ảo giác nhiều hơn và có thể không gây bạo động như thuốc đá methamphetamine.
Người lạm dụng mãn tính methamphetamine (thuốc đá) có thể biểu hiện các triệu chứng như lo lắng, lẫn (confusion), mất ngủ, rối loạn tâm trạng và hành vi bạo lực. Có thể có những triệu chứng tâm thần, như hoang tưởng, ảo giác thị giác và thính giác, và ảo tưởng (delusion, ví dụ, cảm giác côn trùng bò dưới da). Các triệu chứng loạn thần đôi khi có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm sau khi một người bỏ thuốc lạm dụng mãn tính methamphetamine, và căng thẳng (stress) có thể gây ra sự tái phát tự nhiên của bệnh tâm thần do methamphetamine (methamphetamine psychosis).
Những vấn đề này phản ánh những thay đổi đáng kể trong não bộ do lạm dụng methamphetamine. Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh đã chứng minh sự thay đổi hoạt động của hệ thống dopamine, có liên quan đến việc vận động bị chậm lại và khả năng học tập bằng lời nói bị suy giảm. Có khảo cứu cho thấy ở con khỉ chỉ dùng thuốc lắc trong 4 ngày, các tế bào trong hệ dẫn truyền serotonin của não bộ bị hư hại và lượng serotonin trong não bộ cũng thấp hơn bình thường, dù là 7 năm sau. Những vùng bị hư hại bao gồm tân vỏ não (neocortex), amygdala và hippocampus (hình con cá ngựa /hải mã) là những vùng quyết định vận động, khả năng quyết định, trí nhớ hay cảm xúc.
Các nghiên cứu ở người dùng methamphetamine mãn tính cũng cho thấy những thay đổi nghiêm trọng về cấu trúc và chức năng ở các vùng não liên quan đến cảm xúc và trí nhớ, có thể giải thích nhiều vấn đề về cảm xúc và nhận thức được thấy ở người bịnh.
Nghiên cứu trên các mô hình linh trưởng (primate) đã phát hiện methamphetamine làm thay đổi cấu trúc não liên quan đến việc đưa ra một quyết định (trước một bài toán nào đó) và làm suy yếu khả năng ngăn chặn các hành vi thói quen đã trở nên vô dụng hoặc phản tác dụng. Hai tác động tương quan với nhau, cho thấy sự thay đổi của cấu trúc não bộ làm cơ sở cho sự suy giảm tính linh hoạt của trí tuệ. Những thay đổi về cấu trúc và chức năng não này có thể giải thích tại sao nghiện methamphetamine rất khó điều trị và có nguy cơ tái phát sớm trong lúc điều trị. Lạm dụng methamphetamine cũng đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đến một loại tế bào trong não bộ nhưng không phải là tế bào có chức năng thần kinh (hay neuron), được gọi là "tế bào keo", hay tế bào đệm (glia cells, microglia). Những tế bào này giúp bảo vệ sức khỏe của não bộ, chống lại các tác nhân truyền nhiễm và loại bỏ các tế bào thần kinh bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu các tế bào này hoạt động quá mức chúng có thể tấn công các neuron khỏe mạnh. Một nghiên cứu bằng hình ảnh não cho thấy ở những người trước đây lạm dụng methamphetamine số tế bào keo này tăng gấp đôi so với những người không có tiền sử lạm dụng methamphetamine, điều này có thể giải thích một số tác dụng gây độc thần kinh của methamphetamine.
Một số tác động sinh học thần kinh của methamphetamine có thể đảo ngược ít nhiều. Trong nghiên cứu nói trên, ngưng methamphetamine dẫn đến việc giảm kích hoạt tế bào keo microglia theo thời gian và ở những người cai được methamphetamine 2 năm mức độ kích hoạt microglia tương tự như người bình thường.
Một khảo cứu khác cho thấy mặc dù các chỉ dấu sinh học (biomarkers) của tổn thương thần kinh vẫn tồn tại sau 6 tháng cai thuốc, các chỉ dấu này lại trở về mức bình thường sau khi cai lâu hơn. Một khảo cứu nữa về hình ảnh thần kinh (brain imaging) cho thấy các tế bào neuron vẫn còn tổn thương sau 6 tháng cai thuốc, nhưng sẽ hồi phục sau 14 tháng cai, kèm theo việc cải thiện về vận động và trí nhớ về ngôn ngữ. Tuy vậy, sau 14 tháng, các vùng khác của não bộ cũng vẫn chưa hồi phục, chứng tỏ một số thay đổi do amphetamine gây ra vẫn dai dẳng rất lâu. Methamphetamine còn gia tăng cơ nguy đột quỵ (tai biến mạch máu não, stroke) và bịnh Parkinson.
Ngoài các hậu quả về thần kinh và hành vi, những người sử dụng methamphetamine lâu dài cũng phải chịu các tác động về thể chất, bao gồm giảm cân, sâu răng và ” mất răng” ("miệng meth") và lở loét da. Các vấn đề về răng có thể do sự kết hợp của dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng kém cũng như khô miệng và nghiến răng do thuốc gây ra. Các vết loét da là kết quả của việc cào cấu và gãi liên miên do bịnh nhân tưởng tượng có sâu bọ đang bò dưới da của mình.(2)
Nói tóm lại, không thể xác định nguyên nhân của “cơ bắp giật khắp cơ thể” và “nói lắp bắp” sau khi đã cai thuốc. Có thể liên hệ đến những thay đổi trong các phần não bộ phụ trách vận động hay ngôn ngữ gây ra do dùng thuốc (ví dụ thuốc lắc, đá, hay những tạp chất khác có tác dụng độc thần kinh ) mãn tính. Nếu bịnh nhân hoàn toàn ngưng thuốc lắc, và không dùng thuốc nào khác có thể gây thêm tổn thương cho não bộ, theo những khảo cứu hiện nay, một số tổn thương do methamphetamine có thể đảo ngược phần nào sau khi cai thuốc từ 6 tháng đến 14 tháng hoặc lâu hơn.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 3 tháng 2, năm 2020
Tham khảo:
- MDMA
https://en.wikipedia.org/wiki/MDMA
- What are the long-term effects of methamphetamine misuse?
https://www.drugabuse.gov/publications/ ... ine-misuse
3)https://www.medicaldaily.com/mdma-vs-ec ... now-406164
4) Club Drugs
https://www.poison.org/articles/2014-ma ... rugs-molly
5)The Neurobiology of Ecstasy (MDMA)
Long-term ecstasy use may impair memory
https://www.drugabuse.gov/publications/ ... in-monkeys
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.