Virus corona và vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc
Trong khi thế giới thương tiếc cái chết mới đây của một bác sĩ trẻ Trung Quốc, người bị cảnh sát bắt giữ vì đã báo động về virus corona, tin tức về một bác sĩ khác, người đã phát hiện dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) cách đây 17 năm, bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh đang gây sốc trên toàn thế giới.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, nhà cầm quyền đã hạn chế việc đi lại của ông Jiang Yanyong-bác sĩ phẫu thuật quân y 88 tuổi, người đã đưa ra ánh sáng việc chính phủ Trung Quốc che giấu dịch bệnh SARS vào năm 2003-cũng như cô lập ông đối với thế giới bên ngoài. Chính phủ Trung Quốc làm việc này sau khi ông Jiang viết thơ cho giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu đánh giá lại phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989, theo một người bạn thân của ông cho biết với điều kiện ẩn danh.
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, 34 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, qua đời vào ngày 7/2 sau khi bị lây nhiễm trong trận chiến chống lại dịch bệnh virus corona bùng phát. Cái chết của ông khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ và đau buồn vì ông bị cảnh sát bắt giam vào đầu tháng 1 sau khi ông thông báo với các cựu sinh viên y khoa trên truyền thông xã hội về việc có 7 bệnh nhân được chẩn đoán có những triệu chứng như bệnh SARS bị cách ly trong bệnh viện của ông.
Virus bí mật này sau đó đã trở thành dịch bệnh virus corona giết chết ít nhất 1.110 người và lây nhiễm cho hàng chục ngàn người trên thế giới, hầu hết tại Trung Quốc.
Số phận bi thảm của hai bác sĩ gióng lên tiếng chuông cảnh báo, cách nhau 17 năm, là sự nhắc nhở đau lòng rằng, dù có những tiến bộ kinh tế vượt bậc của Trung Quốc, người dân Trung Quốc vẫn bị tước đoạt những quyền căn bản, các nhà phân tích nói. Và khi họ bị trừng phạt vì phơi bày sự thật mà các giới chức muốn che giấu, thì việc này có thể có những hậu quả tai hại không chỉ tại Trung Quốc, nhưng còn ở tầm mức thế giới nữa, các nhà phân tích nhận định.
Ông Kenneth Chan, một nhà khoa học chính trị tại Trường đại học Báp-tít ở Hong Kong nói rằng tại Trung Quốc và những cựu chế độ cộng sản, nơi nhân quyền thường xuyên bị đàn áp vì nạn kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt, “người dân được tưởng thưởng vì nói dối và che giấu, nhưng bị trừng phạt vì nói thật.”
Ông Johnny Lau, một nhà quan sát kỳ cựu đồng thời là một nhà báo trước đây của tờ Wen Wei Po được Bắc Kinh ủng hộ, có trụ sở tại Hong Kong, nói việc nhà cầm quyền trả thù hai bác sĩ lên tiếng báo động vì nói lên sự thật trong khoảng thời gian 17 năm cho thấy Trung Quốc tiếp tục sử dụng “lối cai trị phong kiến, quân chủ.”
“Các chế độ chuyên chế lo ngại rằng tự do ngôn luận sẽ phá hoại quyền cai trị của họ,” ông nói. “Đây không phải là chuyện 17 năm, nhưng là 3.000 năm. Ý thức hệ chuyên chế vẫn tồn tại.”
Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông đã chứng tỏ là người chống lại những giá trị hiện đại, cấp tiến, ông Lau nói. Một tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản được viết vào năm 2013 có tên là Tài liệu Số 9 chỉ thị cho các cán bộ ngăn chặn 9 ảnh hưởng nguy hại đối với xã hội. Những ảnh hưởng này bao gồm khái niệm về các quyền và tự do của phương Tây, “những giá trị phổ quát” về nhân quyền, những quyền dân sự và tham gia vào những hoạt động dân sự. Đảng Cộng sản cảnh báo cán bộ là họ sẽ bị trừng phạt vì đưa ra những quan điểm khác với giới lãnh đạo.
Bà Doriane Lau, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Ân xá Quốc tế, nói: “Cộng đồng quốc tế nên thấy rằng hạn chế thông tin và tước đoạt quyền ‘tự do ngôn luận’ của người dân, có thể gây ra những nguy hại trầm trọng không chỉ đối với một quốc gia mà còn đối với cộng đồng toàn cầu nữa.”
Ông Johnny Lau cho rằng khó chế ngự được quyền lực mềm của Trung Quốc trong lâu dài và rằng “quyền lực này có thể thoái hóa hơn nữa.”
“Ngay cả nếu Trung Quốc tiếp tục là một cường quốc kinh tế, về mặt chính trị, nước này chỉ là một chú lùn. Trung Quốc sẽ không là một cường quốc có trách nhiệm,” ông nói thêm.
Ông Lau nói những cọ sát chính trị tại Trung Quốc sẽ gia tăng khi người dân bình thường kêu gọi tăng cường tự do căn bản giữa những khủng hoảng y tế mới đây, trong khi nhà cầm quyền tiếp tục cai trị với ý thức hệ chính thức, tù túng.
Hiện vẫn còn phải chờ xem liệu người dân Trung Quốc nâng cao nhận thức về quyền của họ như thế nào để trở thành một lực lượng đủ mạnh để khiến có thay đổi chính trị, ông nói.
Nhà khoa học chính trị Chan nói việc ông Tập đáp ứng công khai với cuộc khủng hoảng virus corona như là “tuyên chiến với virus” và tập họp đoàn kết quốc gia chung quanh sự lãnh đạo của ông, là một phần của nỗ lực của ông để quảng bá sùng bái cá nhân.
“Đây là sự đáp ứng kiểu mẫu theo lối cộng sản trong trường hợp khủng hoảng. Trung Quốc hiện nay có mạnh hơn cựu Liên bang Xô Viết không?” ông hỏi. “Không đâu. Khủng hoảng sẽ lại tấn công.”
(BTV Verna Yu)