Phi hành đoàn các nước phản đối bay tới Trung Quốc
Phi công và tiếp viên hàng không yêu cầu các hãng hàng không ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc, với việc các phi công American Airlines đệ đơn kiện đòi ngưng tức khắc các chuyến bay giữa lúc các giới chức y tế tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì sự lây lan nhanh chóng của coronavirus.
Trung Quốc cho biết có gần 10.000 ca lây nhiễm coronavirus và 213 người chết, nhưng virus đã lây lan sang 18 nước, hầu hết được cho là từ các hành khách đi máy bay.
Hoa Kỳ khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc, nâng báo động lên mức tương tự với Iraq và Afghanistan.
Các hãng hàng không Mỹ, đã giảm các chuyến bay đến Trung Quốc trong tuần này, đang đánh giá lại những kế hoạch bay, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Có thể Tòa Bạch Ốc đang lựa chọn hành động thêm nữa để cấm bay đến Trung Quốc trong những ngày sắp tới, nhưng các giới chức nhấn mạnh là chưa có quyết định về việc này.
Hội Liên hiệp Phi công (APA), đại diện cho các phi công American Airlines, nêu “các mối đe dọa sức khỏe trầm trọng, chưa lường hết được, do coronavirus gây ra” trong đơn kiện nộp ở Texas, trụ sở của hãng hàng không.
Hãng American Airlines cho biết có những biện pháp cẩn trọng chống lại virus nhưng không bình luận gì về vụ kiện. Ngày 29/1, American Airlines loan báo hủy các chuyến bay từ Los Angeles đến Bắc Kinh, nhưng tiếp tục các chuyến bay từ Dallas.
Chủ tịch APA Eric Ferguson yêu cầu các phi công được chỉ định trong các chuyến bay Mỹ-Trung từ chối việc chỉ định này. Trong một tuyên bố, công đoàn các tiếp viên hàng không American Airlines cho biết ủng hộ vụ kiện của các phi công và kêu gọi hãng hàng không và chính phủ Mỹ “cẩn thận và ngưng các chuyến bay đi và đến Trung Quốc.”
Phi công của United Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Mỹ bay đến Trung Quốc, quan ngại về sự an toàn, sẽ được quyền bỏ bay, không được trả lương, theo một bản ghi nhớ ngày 30/1 của công đoàn gởi các thành viên.
United Airlines ngày 30/1 loan báo hủy 332 chuyến bay Mỹ-Trung từ tháng 2 đến ngày 28 tháng 3, dù sẽ tiếp tục các chuyến bay khứ hồi từ San Francisco đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong.
Vụ kiện của phi công American Airlines diễn ra giữa lúc ngày càng nhiều các hãng hàng không ngưng các chuyến bay đến Hoa lục, trong đó có Air France KLM SA, British Airways, Lufthansa của Đức và Virgin Atlantic.
Các hãng hàng không lớn khác vẫn tiếp tục bay đến Trung Quốc, nhưng khẩu trang bảo hộ và những chặn dừng ngắn hơn được áp dụng để giảm bớt phơi nhiễm cũng không giúp được gì trong việc trấn an phi hành đoàn.
Một tiếp viên hàng không vừa mới đáp xuống một thành phố lớn của Trung Quốc nói quan ngại lớn nhất là nhiễm virus rồi truyền sang cho gia đình, hay bị cách ly khi dừng chân. “Tôi không hiểu mức nghiêm trọng của tình hình cho đến khi tôi đến đó,” bà nói với điều kiện ẩn danh. Bà mô tả về sự hoảng loạn của công chứng trong chuyến bay trở về, mỗi hành khách đều mang khẩu trang.
“Hiện nay tôi có cảm giác như tôi đang đếm ngược 14 ngày.”
Hãng hàng không Thai Airways phun thuốc sát trùng trên máy bay giữa các chuyến bay đến Trung Quốc và cho phép phi hành đoàn mang khẩu trang và găng tay.
Delta Air Lines bớt các chuyến bay và giao thực phẩm cho phi hành đoàn tại khách sạn để họ khỏi ra ngoài. Hãng cũng cho phép phi công bỏ các chuyến bay đến Trung Quốc nhưng không được trả lương, một bản ghi nhớ của công đoàn gởi các thành viên nói.
Korean Air Lines và Singapore Airlines phái thêm nhân viên phi hành để bay thẳng trở về tránh ngủ qua đêm.
Hãng hàng không Hàn Quốc cho biết đã chở thêm quần áo bảo hộ cho các tiếp viên hàng không có thể cần để chăm sóc cho những ca nghi bị lây nhiễm virus khi đang bay.
Các hãng hàng không tại châu Á đang chứng kiến việc sụt giảm mạnh vé mua cùng với việc hủy bỏ bắt buộc các chuyến bay vì coronavirus bùng phát, người đứng đầu công ty cho thuê Avolon Holdings cho biết.
Vụ bùng phát coronavirus gây hiểm họa dịch bệnh lớn nhất cho ngành hàng không kể từ cuộc khủng hoảng SARS năm 2003 làm nhu cầu của hành khách giảm 45% tại châu Á khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 năm đó, các nhà phân tích nói.
Công ty đánh giá Fitch nói các hãng hàng không ít có chuyến bay đến Trung Quốc và vùng Châu Á-Thái Bình Dương có thể tái phối trí khả năng để thay đổi đường bay để giảm bớt ảnh hưởng đến việc vận chuyển nhưng có thể làm tăng cạnh tranh trên những tuyến đường này và giảm giá vé.
Air France giữ đường bay đến Trung Quốc trong dịch bệnh SARS, nhưng đã ngưng các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải vào ngày 30/1 sau khi phi hành đoàn yêu cầu ngưng ngay lập tức.
“Khi nhân viên thấy các hãng hàng không khác đã ngưng bay, thì phản ứng của họ là “Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục bay?’” ông Flore Arrights, chủ tịch của UNAC, một trong 4 công đoàn chính của các tiếp viên hàng không nói.