Page 1 of 1

Bịnh ngoài da (bịnh 'chàm')

PostPosted: Tue Jun 07, 2011 10:46 pm
by NewsReporter
VOA - Health













Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Cô Ánh Phượng ở Saigon có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Bịnh eczema (chàm)

Theo lời trình bày của thính giả Nguyễn Ánh Phượng 28 tuổi, bị bịnh ngoài da từ 14 năm nay ở tay và chân,, được định bịnh là bịnh “chàm”.

Tham khảo với những tài liệu tiếng Việt mà tôi có được, thì chàm đây có nghĩa là eczema. Tôi dùng từ eczema thay vì “chàm” để tránh gây hiểu lầm, trong y khoa, nếu dùng từ không chính xác, có thể bàn lạc đề, và cho trị liệu sai. Theo từ điển Việt Anh của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội thì “chàm” có hai nghĩa khác nhau, có thể dịch sang Anh ngữ là tattoo (vết xâm mình, vết chàm đen thâm trên da do thương tíc để lại), hoặc eczema. Eczema, gốc nghĩa Hy lạp là xì ra, bung ra vì sôi, nóng, chữ gợi hình, mô tả tình trạng lúc da bị viêm cấp tính, da bị đỏ, nóng, sưng, nứt nẻ, nổi mụn nước, đôi khi mụn mũ lên và đặt biệt là rất ngứa. Bịnh này không liên quan gì đến các vết đen vết nám trong da, hay vết xâm mình.

Trường hợp chúng ta bàn ở đây là một loại eczema dai dẳng (persistent), trở đi trở lại, bớt rồi bị lại. Vậy xin nói rõ, bịnh chàm chúng ta bàn ở đây là một bịnh viêm da mãn tính (kinh niên), gọi là viêm da cơ địa (atopic dermatitis )thường bắt đầu xuất hiện lúc bịnh nhân còn rất nhỏ (vài tháng tuổi). Chỉ một số rất ít trường hợp bịnh phát ra lúc bịnh nhân đã trưởng thành, nhưng nếu xét kỹ bịnh sử, có thể tìm thấy những dấu hiệu của cơ địa dị ứng (dị ứng mũi, viêm xoang, suyễn, mề đay [urticaria]), tạng da khô ở bịnh nhân hoặc những người khác trong gia đình. Cách đây vài tháng tôi đã có trình bày chi tiết về bịnh này ở trẻ em, xin thính giả vào mục hỏi đáp y học trên website của đài VOA nếu muốn thao khảo thêm.

Ở đây, tôi chỉ xin đi vào chi tiết về một số điểm có thể có ích cho người lớn.

1) Da người bịnh rất dễ “khó chịu” (irritable). Điều kiện gì làm da khó chịu đều có thể làm bịnh “trổi dậy”:

1-không khí khô: lúc mùa đông, trời lạnh, không khí khô (độ ẩm/humidity xuống thấp); nếu dùng máy lạnh lúc trời hè, oi bức, cũng làm giảm độ ẩm trong không khí và làm da khó chịu. Một số bịnh nhân ở Mỹ lúc về chơi ở VN (khí hậu ẩm thấp), bịnh da có bớt nhiều.Nếu bịnh nhân dùng những chất nhờn “emollient” như Vaseline, Eucerin, Aquaphor, thoa nhiều lần trong ngày, tránh ra nơi nhiều gió, hoặc mang găng tay, quần dài, vì gió cũng làm da khô.

2-chỉ tắm không quá một lần một ngày, vì càng tắm, kỳ cọ thì da càng mất lớp mỡ che chỡ ở ngoài và khô thêm. Chỉ dùng xà phòng nhẹ (như Dove), không có mùi thơm (dầu thơm có thể gây dị ứng. Chỉ gội đầu, thoa xà bong vào nách, háng,và bàn chân. Không dùng khăn lông, chà, không dùng bàn chải kỳ cọ.Tắm xong, không lau khô, mà chị chậm khăn vào da cho bớt ướt, và nội trong vài phút, thoa emollient (Vaseline, Aquaphor, Eucerin, petrolatum) thoa lên khắp da để khằn (seal) nước trong da, không cho bốc hơi bay đi làm da khô.Có thể cho trộn vào emollient một chút kem corticoid nhẹ như hydrocortisone 1% (bán tự do ở Mỹ) nếu da bị viêm đỏ, ngứa.

3-tránh mặc đồ len có lông gây ngứa,vải quá cứng, quần áo qúa chật, nên mặc đồ bằng bông gòn (cotton) mịn.

4-tránh nơi quá nóng, làm đổ mồ hôi nhiều, tránh những nơi có lông, phân thú vật (pets).

2)Những lúc da khô, nứt nẻ và đau, có thể dùng những gạc (compress) nhúng nước lạnh đắp lên cho đỡ khô và đau, 10-20 phút, 2-4 lần trong ngày (wet dressings). Hoặc có thể dùng gạc tẩm dung dịch aluminum subacetate (ở Mỹ, viên Domeboro pha trong ½ lít nước lạnh), Aveeno colloidal oat meal (Aveeno bán trong hộp nhiều gói, có thể pha vào bồn tắm để ngâm, hoặc tắm). Sau đó thì thoa kem mỡ thuốc corticoid mạnh (như clobetazol) chỉ trong vài ngày để giảm viêm thật nhanh.

3) Những mảng da dàyvà khô mãn tính (chronic, dry, lichenified lesions) cần những chất corticoid thoa loại mạnh trong vài tuần,khi bớt rồi thì giảm thuốc nhẹ hơn, giảm liều từ từ (tapering).

4) Hiện tại, bịnh nhân dùng kem “gentricreem” trong đó có 3 chất thuốc khác nhau: betamethasone (corticoid, chống viêm), clotrimazole (chống nấm) va gentamycin (kháng sinh, chống vi khuẩn), có bớt nhưng không khỏi hẳn.

Thiết tưởng đây là cách chữa khá tiện lợi và phổ biến, vì có mục đích bao hết các khả năng có thể xảy ra: dị ứng, viêm, nhiễm khuẩn và nhiễm trùng nấm. Tuy nhiên, thuốc dùng lâu nhiều năm nên có lẽ không còn hiệu nghiệm lắm, và không nên dùng nữa. Hơn nữa, theo cách chữa y khoa hiện nay ở Mỹ, mỗi tình huống phải thay đổi cách điều trị thích hợp. Như lúc viêm cấp tính thì cần thuốc bôi corticoid mạnh hơn, mà có dùng cũng phải dùng đến lúc có kết quả thì giảm liều từ từ xuống qua nhiều tuần,sau đó thay bằng thuốc nhẹ hơn, nếu ngưng đột ngột bịnh bộc phát trở lại còn mạnh hơn. Lúc nghi có làm mủ, nhiễm khuẩn, có thể tùy trường hợp bs cho uống thuốc kháng sinh có hiệu quả hơn, hoặc thuốc thoa khác (như mupirocin, Bactroban) hiệu nghiệm hơn. Nếu có dấu hiệu thật sự làm nghi có nhiễm trùng nấm (fungal infection), thì lúc đó hãy dùng thuốc chống nấm (antifungal) thì kết quả tốt hơn.

Cuối cùng cũng xin nhắc qua về một loại thuốc rất đắt tiền, mới hơn, được dùng trong mục đích giảm bớt tùy thuộc vào các chất corticoid, vì dùng corticoid lâu ngày gây biến chứng, như làm da mõng đi, yếu đi và có thể hấp thụ vào cơ thể làm giảm sức miễn nhiễm, đề kháng của cơ thể. Đó là tacrolimus (Protopic ointment) và pimecrolimus (Elidel). FDA (cơ quan quản trị thuốc và thực phẩm) cảnh báo về khả năng gây ung thư lymphomacủa hai thứ thuốc này trên thú vật, do đó phải dùng rất dè xẻng, cho những nơi mà không nên thoa corticoid (chung quanh mắt). Tuy nhiên một số bs chuyên về bịnh da vẫn thích dùng loại thuốc này.

Tóm lại, bịnh eczema bàn ở đây là một trường hợp cần bác sĩ gia đình theo dõi liên tục, để đối phó với các tình huống và hướng dẫn bịnh nhân một cách hợp lý.Tôi rất tiếc không thể cho toa cho bịnh nhân mua về uống được.
Mong các thông tin tổng quát trên đây giúp thính giả hiểu bịnh của mình hơn,bảo vệ sức khoẻ của mình, đồng thời hiểu và cọng tác với bs của mình.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.