Một học sinh trung học ở thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo ngại về nạn ô nhiễm môi trường trên cả nước và nhấn mạnh rằng việc chính quyền nhắm mắt làm ngơ trước thảm họa này “còn u tối và đáng sợ hơn rất nhiều so với sự thất trách của các chủ đầu tư”.
Trần Việt Anh, học sinh lớp 12, trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho VOA biết em vừa gửi thư đến Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn góp tiếng nói phản biện nhằm hướng tới chung tay hành động trước vấn nạn môi trường, nhất là ô nhiễm không khí.
“Bức thư của em chủ yếu bàn về vấn đề môi trường trong đó em có nêu ba nội dung chính: Thứ nhất, chúng ta cần phải đưa vấn đề môi trường lên ưu tiên hàng đầu để có thể tạo ra ý thức toàn dân về môi trường, làm cơ sở cho phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục bền vững.
“Thứ hai, vấn đề môi sinh hiện tại là việc tái diễn tình trạng ô nhiễm không khí mà cho đến nay nhiều người cũng chưa có thông tin cụ thể, chính xác.
Vấn đề môi sinh hiện tại là việc tái diễn tình trạng ô nhiễm không khí mà cho đến nay nhiều người cũng chưa có thông tin cụ thể, chính xác.
“Điều cuối cùng là phân loại rác: cần phổ biến một quy trình phân loại rác từ nguồn đồng bộ, thống nhất toàn dân và công nghệ xử lý rác hiệu quả”.
Bức thư gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đề ngày 8/10 có đoạn:
“Một dân tộc yêu hòa bình không thể có một quốc gia đứng hàng đầu về ô nhiễm: hòa bình không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh mà còn là việc tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu, mà vấn đề khẩn cấp và sát sườn chúng ta nhất là thảm họa môi sinh”.
Trước đó, vào cuối tháng 8 năm nay, thủ đô Việt Nam chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức “cực kì có hại” cho sức khỏe.
Chỉ số AQI từ cơ quan giám sát chất lượng không khí AirVisual có lúc cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội ở mức cao nhất trong số 90 thành phố lớn mà cơ quan này có số liệu quan trắc. Tuy nhiên, nhiều người dân nhận xét trên mạng xã hội rằng phản ứng của chính quyền lại rất chậm và thông tin sai lệch.
Trước đó, hôm 9/10, VNExpresss trích thông tin từ Trung tâm Quan trắc Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nêu 3 nguyên nhân ô nhiễm không khí trong thành phố là do khí thải từ 10 triệu xe máy, ôtô và 1.000 nhà máy lớn, và bụi từ hoạt động xây dựng.
Còn tại Hà Nội, hôm 11/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận rằng bản báo cáo về môi trường của thành phố gửi Quốc hội năm 2019 đúng là đã lấy số liệu của năm 2005, theo tin trên VTC News.
Nhận định với VOA về phản ứng của chính quyền trước các thông tin cảnh báo chất lượng không khí, em Trần Việt Anh, nói:
“Em hoang mang. Bởi vì những dữ liệu cảnh báo đa phần là do các đơn vị độc lập hay của nước ngoài trong khi đó các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa lên tiếng chính thức, hay đưa ra những báo cáo chính xác, cụ thể, hay có bất kỳ cái khuyến cáo gì cho người dân.
“Dường như người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều đang phải tự ứng phó, tự đối mặt với khủng hoảng”.
Thanh niên vận động cho môi trường đưa ra kiến nghị với nhà lãnh đạo Việt Nam: “Người dân phải được cảnh báo và thông tin cụ thể về tình trạng ô nhiễm. Cần minh bạch kết quả quan trắc không khí và có khuyến cáo giải pháp ứng phó và phòng ngừa sức khỏe kịp thời cho người dân”.
Khi được hỏi về cam kết của chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” trong việc thu hút các dự án phát triển và đầu tư nước ngoài”, em Trần Việt Anh chia sẻ:
“Chính quyền Việt Nam nói rằng có những ưu tiên nhất định dành cho môi trường, muốn đi tắt đón đầu, học tập ở những quốc gia đi trước để phát triển để làm sao vừa có thể phát triển đất nước vừa bảo vệ môi trường….nhưng điều này vẫn còn nhiều bất cập”.
“Cơ bản vẫn là quay về ý thức đưa môi trường lên ưu tiên hàng đầu. Liệu chúng ta có dám hi sinh kinh tế để gìn giữ môi trường hay không? Nói hi sinh nhưng thực tế là về lâu dài, làm kinh tế bền vững thì chỉ lời chứ không lỗ. Ai cũng biết điều đó nhưng lại thường tặc lưỡi cho qua, nhiều khi cố ý làm ngơ”, Trần Việt Anh viết cho VOA trong một email.
Cái nhắm mắt của chính quyền thì u tối và đáng sợ hơn rất nhiều sự thất trách của các chủ đầu tư.
“Chính quyền phải quyết liệt trong thực hiện xét duyệt dự án và giám sát thực hiện các quy định về môi trường của doanh nghiệp ngay từ đầu, thay vì đợi đến khi thảm họa xảy ra như lâu nay. Cái nhắm mắt của chính quyền thì u tối và đáng sợ hơn rất nhiều sự thất trách của các chủ đầu tư”, học sinh Trần Việt Anh viết cho VOA.
Học sinh lớp 12 đưa ra đề xuất đối thoại với chính quyền:
“Em nghĩ rằng để giải quyết được những vấn đề này thì cần phải có một đối thoại rộng lớn hơn giữa chính quyền và người dân để chúng ta cùng nhau xây dựng lòng tin và cùng nhau thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường”.
Phần cuối bức thư gửi nhà lãnh đạo Chính phủ, em viết: “’Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách’. Chỉ tiếc tài hèn đức mọn, chưa có đủ năng lực hay thành tựu gì để có thể trực tiếp đóng góp cho cuộc chiến chống ‘giặc rác’, ‘giặc bụi’, bèn trải lòng mình ra đây…chi bằng nói ra để khơi một đối thoại” .
“Mong rằng qua bức thư này nhờ nhân dân suy xét, đưa vấn đề môi sinh trở về đúng tầm quan trọng và vị trí ưu tiên cần có của nó. Cũng từ đây hi vọng có được sự chia sẻ, phản biện, phê phán mang tính xây dựng tiến tới cùng chung tay hành động từ phía chính quyền.”