Page 1 of 1

Mang kính nhân tạo (IOL) suốt đời được không?

PostPosted: Fri Sep 27, 2019 6:40 am
by NewsReporter
VOA - Health


Thính giả Lavang hỏi:


"Xin hỏi Bác sĩ là đeo kính nhân tạo có suốt đời được không, có bất tiện cho người già không?"


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:



Ngoại trừ những tình huống bất thường, phẫu thuật đục thủy tinh thể (cataract surgery) chỉ thực hiện khi bịnh nhân không sinh hoạt bình thường hàng ngày do việc giảm thị lực gây ra bởi đục thủy tinh thể. Nếu bịnh nhân quyết định thực hiện phẫu thuật, bác sĩ giải phẫu sẽ thay thế thấu kính tự nhiên trong mắt bằng một thấu kính nhân tạo (intraocular lens implant/IOL) để phục hồi thị lực của bịnh nhân.Thấu kính nhân tạo này thường được làm bằng nhựa, silicon, hay vật liệu acrylic và đặt vĩnh viễn vào bên trong mắt. Có thể cần phải mang thêm mắt kính gọng bên ngoài, kèm theo IOL để đạt được mức thị giác tốt nhất.


Lịch sử thấu kính nội nhãn (IOL)


Khi chăm sóc các phi công người Anh bị thương ở mắt trong Thế chiến II, BS nhãn khoa người Anh, Sir Harold Ridley nhận xét rằng những mảnh nhựa plastic từ buồng lái máy bay bị vỡ bị văng ra và cắm vào trong nhãn cầu của phi công được dung nạp tốt (tolerated) và gây ra ít hiện tượng viêm. Ridley thực hiện cấy ghép thấu kính nội nhãn đầu tiên vào năm 1949 tại London.


Giống như một số các IOL hiện nay, IOL được làm bằng nhựa PMMA cứng (không xếp được)(polymethylmethacrylate). Nguyên mẫu được thiết kế còn thiếu sót và kỹ thuật giải phẫu chưa phát triển đủ nên IOL của Ridley thất bại. Mặc dù có tầm nhìn xa, Ridley bị chế giễu và phản đối mạnh mẽ bởi nền y khoa chính thống và ý tưởng cấy ghép IOL phần lớn đi vào quên lãng.


Gần 20 năm sau , hai bác sĩ nhãn khoa người Hoà Lan hồi sinh thấu kính nhân tạo. Vào thời điểm đó, lúc mổ lấy thuỷ tinh thể tự nhiên bị đục, người ta phải lấy luôn vỏ bọc thuỷ tinh thể (lens capsule), cho nên để cố định, kính nhân tạo ban đầu này được kẹp hoặc khâu vào mống mắt (iris). Tuy nhiên, mống mắt không phải là một điểm tựa chắc, và do đó IOL có thể di chuyển quá mức, liên tục đập vào giác mạc (cornea) ở phía trước và làm hỏng giác mạc.


Các thế hệ IOL tiếp theo được thiết kế để nằm trước mống mắt và được gọi là IOL buồng trước (anterior chamber IOL). Để cố định, hai đầu của IOL buồng trước được nhét vào góc (angle) nơi mà giác mạc hình vòm úp vào mống mắt. Kích thước không phù hợp và thiết kế không tương thích (compatibility) của các nguyên mẫu ban đầu này một lần nữa làm mắt khó chấp nhận dung nạp loại IOL này (poor tolerance) hoặc vì chuyển động IOL quá mức, có thể làm hỏng giác mạc.


Thiết kế kính nội nhãn hiện nay là do bác sĩ nhãn khoa người Mỹ Steven P. Shear tiên phong (ca đầu tiên 1977) . Mô hình ba mảnh mang tính cách mạng của ông được thiết kế để đặt ngay sau mống mắt, ở vị trí tự nhiên của thuỷ tinh thể con người. Cần một số cấu trúc để giữ vững kính nhân tạo IOL và một bước tiến lớn trong kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể giải quyết điều này. Cho đến những năm đầu thập niên 1980, lúc mổ cườm khô, người ta phải lấy cả thuỷ tinh thể và vỏ (capsule) của nó. Với kỹ thuật mới, bác sĩ giải phẫu mắt chỉ lấy thuỷ tinh thể ra ngoài và để lại cái vỏ của nó. Cái vỏ này được ổn định bằng những sợi gân (ligament) li ti tự nhiên (zonules) bao bọc 360 độ chung quanh. Cho nên lúc nhét IOL vào vỏ này (gọi là “IOL buồng sau” hay posterior chamber IOL), IOL được đặt vào vị trí của thuỷ tinh thể tự nhiên trước đây và rất ổn định.


Tuy nhiên, IOL buồng trước (anterior chamber IOL) cũng đã được cải thiện rất nhiều và hiện nay, trong một số trường hợp người ta vẫn dùng nó nếu không hội đủ điều kiện cho IOL buồng sau.


Các IOL sẽ tồn tại bao lâu? Theo BS D. F. Chang, IOL có mục đích để vĩnh viễn (permanent) và, không giống như khớp nhân tạo hoặc van tim, không có bộ phận chuyển động nào trong thấu kính có thể bị mòn theo thời gian. Thấu kính nhân tạo thậm chí được đặt ở trẻ em sau phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh vì chúng sẽ tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, có tác giả cho rằng IOL có dùng được suốt đời hay không còn tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mắt người bịnh được ghép IOL, cũng như IOL thuộc loại gì, do ai sản xuất, vì cũng có những trường hợp trong quá khứ IOL bị thu hồi lại (recalled). Mặc dù hiếm khi cần thiết, IOL có thể được gỡ bỏ và thay thế. Mặc dù nhu cầu tháo bỏ IOL là rất bất thường, lý do phổ biến nhất là độ khúc xạ không chính xác, mặc dù đã tính kỹ trước. Một lý do khác là nếu IOL chuyển khỏi vị trí bên trong mắt. Điều này rất hiếm. Vì kính nhân tạo được thiết kế để dùng vĩnh viễn, việc lấy IOL ra không đơn giản.


Tất cả các nhận xét trên đều có tính cách thông tin. Bịnh nhân cần nhờ bác sĩ của mình khám và theo dõi, hiểu rõ những giải thích của bác sĩ chuyên khoa.


Chúc bịnh nhân may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


Ngày 24 tháng 9 năm 2019


References:


1)David F. Chang: Intraocular Lenses for Cataract Surgery (General Info)


https://www.changcataract.com/cataract- ... t-surgery/


2)George H.H. Beiko


Intraocular lens implants: Do they come with a life time guaranty?


https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4625136/


3)https://www.eyeworld.org/article-steven-p--shearing--m-d---a-pioneer-to-remember


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.