Page 1 of 1

Điếc sau khi chấn thương đầu

PostPosted: Thu Jun 20, 2019 8:42 am
by NewsReporter
VOA - Health


Thính giả Tang Quang hỏi:


Thưa Bác sĩ,


Em bị ngã xe đập đầu sau gáy xuống đất, bị tụ máu não, nằm viện mất khoảng gần 2 tháng. Khi bị ngã có bị chảy máu tai bên trái. Từ lúc ngã, cả 2 tai chỉ nghe thấy tiếng ù. Não bị tụ máu nhưng không phải mổ. Lúc ra viện thì cả 2 tai vẫn không không nghe thấy tý nào. Đi lại bị mất thăng bằng. Đến nay đã 1 năm chứng mất thăng bằng đã khỏi hoàn toàn, đi lại bình thường, nhưng cả 2 tai vẫn không nghe thấy tý nào ạ.


Đã đi khám ở bệnh viện tai tai mũi họng trung ương, họ kết luận ảnh hưởng do chấn thương, và có nói riêng là 80% điếc và 20% hồi phục dần dần. Khám tại bệnh viện Bạch Mai cũng không ra kết quả. Khám tại Bệnh viện 108 Hà Nội, họ nói có thể bị tụ máu 2 đầu dây thần kinh số 8, và chi phí nếu mổ mất khoảng 700 triệu đồng.


Xin Bác sĩ tư vấn giúp em xem có cách nào và đi khám ở đâu chính xác với ạ.


Cảm ơn Bác sĩ.”


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:



Nếu nhìn vào lỗ tai, chúng ta thấy ống tai (ear canal) sau đó đến màng nhĩ (tympanic membrane), sau màng nhĩ có một khoảng trống nhỏ là tai giữa (middle ear) chứa ba cái xương (malleus/búa, incus/đe, stapes/xương bàn đạp) để truyền dẫn âm ba từ màng nhĩ. Nếu điếc gây ra do tổn thương từ vùng tai ngoài trở vào đến tai giữa (ví dụ, máu tràn trong tai giữa, các xương tai nhỏ bị hư hại, trật khớp), người ta gọi là điếc hay mất thính lực loại dẫn truyền (do cơ chế dẫn truyền sóng âm thanh bị trở ngại, ngăn chặn; conductive hearing loss). Sau khi bị chấn thương xương thái dương, 50% bịnh nhân bị mất thính lực loại dẫn truyền.


Sau đó là một ngăn khác, gọi là tai trong (inner ear). Tai trong chứa các bộ phận biến các rung động âm thanh thành những kích thích điện được dây thần kinh thính giác (TK số 8) dẫn truyền vào não bộ (vai trò tương tự như máy vi âm biến âm thanh thành dòng điện trước khi chuyển dòng điện vào máy ampli)


Một bộ phận trong phần tai trong (inner ear) gọi là “mê đạo” (labyrinth) vì nó gồm nhiều ống chứa đầy một chất dịch nối liền với nhau. Mê đạo thu nhận những tín hiệu về âm thanh (thính giác), từ bộ phận gọi là gọi là con ốc [cochlea]). Bộ phận “con ốc” (cochlea) của tai trong (inner ear), là nơi biến đổi các sóng âm thanh thành những tín hiệu thần kinh được truyền vào não bộ , qua dây thần kinh thính giác (TK số 8). Con ốc tai (cochlea) gồm những tế bào lông (chừng vài chục ngàn) (hair cells) có khả năng phát hiện những tần số cao thấp khác nhau trong sóng âm thanh. Có tiếng động thì các tế bào lông này rung và phát ra dòng điện, từ đó gởi tín hiệu rất chi tiết về óc.


Nếu điếc gây ra do tổn thương từ vùng tai trong trở vào đến nơi não bộ tiếp nhận những xung động về thính giác, người ta gọi là điếc hay mất thính lực loại cảm giác-thần kinh (post traumatic sensorineural hearing loss).


Những tín hiệu về phương hướng, vị trí cơ thể đến từ phần của mê đạo gọi là tiền đình (vestibule). Những tín hiệu này được truyền qua não bộ bằng thần kinh tiền đình (vestibular nerve), là một thành phần của dây thần kinh số 8 (8th cranial nerve, vestibulocochlear nerve). Vertigo, hay cảm giác sự vật chung quanh xoay vòng vòng, gây ra do bịnh lý của một bộ phận trong phần tai trong “mê đạo” (labyrinth)


Dùng kỹ thuật số CT phân giải cao hay CT 3 chiều (Virtual otoscopy with 3-D reconstructions of CT images),MRI with 3-D-FLAIR của vùng xương thái dương (temporal bone) và não bộ, bác sĩ có thể tìm những tổn thương có thể giải thích tình trạng mất thính giác:


Gãy xương thái dương vùng màng nhĩ (Tympanic plate fracture), có phạm vào mê đạo hay không; trong tai giữa có máu hay tràn dịch hay không, các xương nhỏ tai có bị trẹo xương, gãy xương hay không (ossicle luxation, dislocation, fracture); có khí trong mê đạo hay không


(Pneumo Labyrinth) do lỗ rò (fistula) giữa tai giữa và tai trong; có tổn thương trên đường đi của dây thần kinh thính giác vào não bộ (chỗ đi qua màng não bị tổn thương); tổn thương ở vỏ não vùng thái dương phụ trách nghe (cortical damage in the superior temporal gyrus) .


Chảy máu trong mê đạo (Intra Labyrinthine Hemorrhage, ILH) có thể do chấn thương hay do người bịnh "loãng máu" (máu không đông bình thường, dễ chảy máu, ví dụ bịnh nhân dùng aspirin, warfarin) và gây điếc đột ngột.


Trong các khảo cứu được công bố, người ta nói đến chữa trị bằng corticoid lúc mới bị điếc vì chảy máu trong mê đạo, nhưng ILH chỉ xảy ra một bên, không phải do chấn thương. Dự hậu của các trường hợp này kém.


Vấn đề là nếu thật sự có chảy máu trong mê đạo đã xảy ra cách đây một năm, can thiệp bây giờ có cải thiện được gì cơ năng của mê đạo hay không. Trường hợp chảy máu lúc tai nạn xảy ra, có thể sau một năm máu trong mê đạo không còn nữa nhưng mê đạo đã bị hư hại. Ngoài ra còn phải tính đến các biến chứng của phẫu thuật có thể xảy ra.


Tất nhiên, đây là một lĩnh vực y khoa rất chuyên môn, tôi không thể có ý kiến cụ thể gì ngoài việc trình bày những kiến thức căn bản như trên để giúp bịnh nhân hiểu vấn đề hơn.


Theo tôi nghĩ, nếu bịnh nhân chưa vừa ý với kết quả kết luận của BV Bạch Mai, thì nên nhờ bác sĩ gia đình bỏ công nghiên cứu thêm các kết quả thử nghiệm đã được thực hiện và nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ hơn về các chỉ định giải phẫu phức tạp và đắt tiền. Bác sĩ gia đình sẽ giúp bịnh nhân cân nhắc cái lợi và cái hại có thể xảy ra. Ngoài ra, nên nhờ các chuyên viên về thính giác giúp đỡ về các biện pháp cải thiện thính giác (như dùng máy trợ thính/hearing aids).


Chúc bịnh nhân may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


Ngày 17 tháng 6 năm 2019


References:


1)Post traumatic deafness: a pictorial review of CT and MRI findings


https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4877355/


2)https://www.dizziness-and-balance.com/d ... aring.html


3)Clinical Features and Prognosis of Sudden Sensorineural Hearing Loss Secondary to Intralabyrinthine Hemorrhage


https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4853897/


4)Case Report


Partial Recovery of Audiological, Vestibular, and Radiological Findings following Spontaneous Intralabyrinthine Haemorrhage


https://www.hindawi.com/journals/criot/2013/941530/


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.