Giác hơi ở VN sẽ ‘đắt khách’ nhờ vận động viên Mỹ?
Hình ảnh các vận động viên nổi tiếng của Hoa Kỳ giành huy chương vàng, khi trên mình đầy các vết bầm hình tròn do giác hơi, mang hy vọng cho những người làm dịch vụ này ở Việt Nam.
Mấy ngày qua, truyền thông thế giới đăng tải nhiều thông tin về hình thức giúp hồi phục cơ thể được coi là xuất xứ từ thời Ai Cập cổ đại, sau khi nó được quảng bá miễn phí bởi “kình ngư” Michael Phelps của Hoa Kỳ tại Thế vận hội ở Brazil.
Theo các trang tin chuyên về y tế, hình thức giác hơi hiện được ưa dùng ở Trung Quốc và Trung Đông cũng như ở Việt Nam.
Bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Trưởng khoa khám bệnh của Bệnh viện Y học Cổ truyền ở TP HCM, cho VOA Việt ngữ biết thêm lợi ích của việc này:
“Nó tốt trên góc độ y học cổ truyền, ví dụ như khi mình tập luyện nhiều, nhiễm 'phong hàn thấp' [đau nhức, mỏi cơ, xương], thì giác hơi gần như là một cái cách chống được cái đó, loại trừ cái đó ra khỏi cơ thể, khai thông, tránh ứ trệ tuần hoàn [máu] ở những vùng của cơ thể. Hiện nay, giác hơi bằng lửa ít có dùng, vì có thể gây nguy hiểm, tai biến cho bệnh nhân. Bây giờ người ta giác hơi bằng cái ống mút”.
Trong khi đó, trang tin Yahoo Sports dẫn một kênh truyền hình của Nga nhận xét rằng việc giác hơi và các tác dụng của nó, “xét về nhiều khía cạnh, cũng không khác gì meldonium”, một loại thuốc giúp làm tăng lưu thông máu, mới bị cơ quan Chống Doping Thế giới cấm sử dụng.
Anh Nguyễn Chính Nghĩa, một người đang làm dịch vụ giác hơi ở Hà Nội, cho VOA Việt Ngữ biết rằng anh “hơi ngạc nhiên” khi thấy các vận động viên Mỹ sử dụng hình thức mang đậm phong cách phương Đông này.
Anh cho hay thêm: “Mình chưa giác hơi cho các vận động viên của Việt Nam. Nhưng mà mình cũng có giác hơi cho những người chơi thể thao. Phương pháp giác hơi này có tác dụng rất là tốt. Nó có khả năng giảm đau, giãn cơ ra, và họ có thể tiếp tục tập luyện ngay lập tức”.
Không chỉ đội bơi mà tuyển thể dục dụng cụ và điền kinh của Mỹ cũng sử dụng giác hơi để giúp hồi phục cơ thể, tạo ra một trào lưu mới tại Thế vận hội mùa hè lần này.
Cho dù được người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam ưa chuộng, giới y học phương Tây lại không mấy tin vào công dụng của nó.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ tuần trước được dẫn lời nói rằng “không có bằng chứng khoa học về bất kỳ tác dụng đối với sức khỏe nào của việc giác hơi”.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters trích lời bà Jessica MacLean, Giám đốc tạm quyền của Hiệp hội Liệu pháp Giác hơi Quốc tế, nói rằng tuần trước, số lượng máy giác hơi bán ra tăng 20% trong khi số người xin giấy phép làm giác hơi tăng 50%.
Trong khi đó, từ Hà Nội, anh Nghĩa cho biết thêm rằng sau khi các hình ảnh của nhiều vận động viên có các vết giác hơi trên người xuất hiện trên báo chí, nhiều khách hàng đã biết tới các dịch vụ của mình.
Anh nói thêm: “Dịch vụ ăn khách hơn. Họ sử dụng dịch vụ khá nhiều. Em cũng chữa cho một số khách nước ngoài. Cũng có tác dụng tốt. Họ thấy thích”.
Không chỉ truyền thông nước ngoài, báo chí trong nước cũng đưa nhiều tin tức về cái được gọi là “phong trào” của các vận động viên quốc tế.
Tờ Người đưa tin đặt tiêu đề: “Giác hơi: Bí quyết kiếm huy chương của VĐV Mỹ ở Olympics 2016” trong khi tờ Thể thao và Văn hóa đặt câu hỏi: “Vì sao Michael Phelps và VĐV Mỹ mê… giác hơi?”
Theo chân “kình ngư” Phelps, ngôi sao truyền hình thực tế Hoa Kỳ, Kim Kardashian, cũng sử dụng giác hơi để “trị bệnh đau cổ”.
Các nữ minh tinh Hollywood như Gwyneth Paltrow, Jennifer Aniston hay ngôi sao nhạc pop Justin Bieber cũng từng khoe ảnh cơ thể đầy các vết thâm tròn.