Page 1 of 1

Protein trong máu đảo ngược được tuổi già nơi chuột

PostPosted: Tue May 06, 2014 8:34 pm
by NewsReporter
VOA - Health

Một loại protein tìm thấy nơi chuột con có thể đảo ngược được một số tác dụng của tuổi già nơi những con chuột già
Các khoa học gia Hoa Kỳ đã khám phá được một protein trong máu của những con chuột con có thể đảo ngược được một số tác dụng của tuổi già nơi những con chuột già. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Jessica Berman thì trong máu người cũng có loại protein đó và một ngày kia có thể sẽ giúp con người sống một đời sống khỏe mạnh hơn.

 

Trong hai bài được đăng trên tạp chí Science, các nhà khảo cứu Trường Đại Học Harvard ở Boston mô tả protein GDF11, tìm thấy ở mức độ cao hơn trong máu những con chuột con, đã cải thiện chức năng của não bộ và cơ bắp những con chuột già như thế nào. GDF11 có vẻ hoạt động bắng cách kích thích sự phát triển các mạch máu mới.

 

Trong một thí nghiệm, các nhà khảo cứu đã gia tăng mức GDF11 nơi các con chuột già bằng cách nối kết bằng phẩu thuật các hệ thống tuần hoàn của những con chuột con với những con chuột già.

 

Máu chứa các mức độ GDF11 cao hơn chảy qua tĩnh mạch của cả hai con vật. Trong một thí nghiệm khác, các nhà khảo cứu chích protein này vào các con chuột già. Các nhà khoa học thấy sự cải thiện lớn nhất trong chức năng nơi những con chuột chia sẻ cùng nguồn cung cấp máu.

 

Các nhà khảo cứu thấy sự tạo thành các mạch máu mới và máu được cải thiện lưu thông trong những con chuột già hơn, mà họ nói là đảo ngược các dấu hiệu của tuổi tác nơi tất cả các mô họ khảo sát.

 

Nhà nghiên cứu Lee Rubin là một giáo sư khoa tế bào gốc và và sinh học tái sinh tại Viện Khảo cứu Tế bào gốc Trường Đại Học Harvard. Nhóm của ông nghiên cứu về tác dụng của GDF11 trên mô thần kinh não bộ. Ông giải thích:

 

“Như vậy, phẫu thuật đơn giản này truyền loại máu trẻ cho các con chuột già, thật sự đã tạo ra một số thay đổi cơ cấu trong não bộ già khiến cho bộ não già, về bản chất, giống như một bộ não trẻ. Và một số người đã sử dụng cụm từ ‘làm trẻ lại não bộ già.’ Những sự kiện tương tự cũng được thấy nơi các mô khác.”

 

Đồng nghiệp của ông Rubin, bà Amy Wagers, quan sát thấy rằng GDF11 sửa chữa được DNA bị hư hại vì tuổi già. Trong những thí nghiệm với protein trước, bà Wagers và các đồng nghiệp nói rằng, những trái tim bị to ra và yếu đi của các con chuột già đã trở lại thành một kích cỡ trẻ hơn và đập hữu hiệu hơn. Chứng suy tim gọi là tâm trương, một điều kiện gây tử vong, là thông thường nơi người già, và công việc này đã nâng cao hy vọng là chứng bệnh vừa kể có thể được chữa lành.

 

Tương tự như vậy, ông Rubin nói rằng GDF11 có thể cải thiện ký ức cho các bệnh nhân bị bệnh Alzheimer hay cử động cho các nạn nhân bị bệnh Parkinson.

 

Nhưng ông nói rằng loại protein này không phải là một “suối nguồn tuổi trẻ,” và mục đích của cuộc khảo cứu không phải là gia tăng tuổi thọ mà là cải thiện tuổi thọ. Ông nói:

 

“Nói cách khác, ngay cả khi ta không sống thêm được nhiều năm, thì ít nhất ta có thể khỏe mạnh hơn cho những năm ta sống. Và tôi lại nghĩ rằng những gì chúng ta đã chứng tỏ là cải thiện chức năng nơi nhiều mô khác nhau của các con chuột.”

 

Trong một bài báo trên tạp chí Nature, được đăng cùng một thời gian, các nhà khảo cứu thuộc Trường Đại Học Stanford ở California phúc trình về máu từ những con chuột trẻ, đã cải thiện bộ tuần hoàn, gia tăng hiểu biết và ký ức nơi những con chuột già.

 

Các nhà khảo cứu tại Massachusetts và California đã kết hợp với những xí nghiệp kỹ thuật sinh học để xem những phát hiện này có thể áp dụng cho người hay không. Ông Lee Rubin thuộc Trường Đại Học Harvard tiên đoán rằng, những thí nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu trong vòng từ ba tới năm năm nữa.