Page 1 of 1

Cần ý chí chính trị để chống bệnh sốt rét kháng thuốc

PostPosted: Thu Jul 05, 2012 2:14 pm
by NewsReporter
VOA - Health

Bộ trưởng Y tế các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được yêu cầu hãy ủng hộ nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của các hình thức bệnh sốt rét kháng thuốc, đặc biệt dọc theo biên giới giữa Campuchia với Miến Điện. Theo tường trình của Thông tín viên Ron Corben của VOA, người đứng đầu tổ chức phòng chống bệnh sốt rét của Liên Hiệp Quốc nói có ý chí chính trị đúng mức có thể dẫn đến xóa bỏ căn bệnh này.

Các Bộ trưởng Y tế và các giới chức của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tụ họp tại Thái Lan được hối thúc hãy tăng cường các nỗ lực nhằm xóa bỏ các dạng bệnh sốt rét kháng thuốc ngày càng phát triển trong vùng.

Các nhà khoa học lo sợ các hình thức bệnh sốt rét kháng được thuốc có thể lan rộng ra khỏi biên giới các nước Đông Nam Á, để tràn sang lục địa châu Phi, một vùng có rất nhiều nạn nhân của loại ký sinh trùng gây sốt rét do muỗi lan truyền.

Ông Thomas Teuscher, giám đốc điều hành của tổ chức Đối tác Đẩy lùi Bệnh sốt rét do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ, nói cần gia tăng nỗ lực để đảm bảo hình thức bệnh sốt rét kháng thuốc ít ra cũng bị giới hạn trong nội bộ vùng Đông Nam Á.

Ông Teuscher nói: “Hiện nay chúng ta cần tập trung sự chú ý và hoạt động theo phương thức khả dĩ có thể giữ cho thế giới được an toàn đối với dịch bệnh sốt rét trong tương lai bằng cách đảm bảo các loại thuốc đang được sử dụng duy trì sự hiệu quả càng lâu càng tốt - do đó vấn đề chính là giới hạn sự lây lan của các hình thức bệnh sốt rét kháng thuốc trong Đại Vùng sông MêKông.”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tổ chức chính yếu ủng hộ tổ chức Đối tác Đẩy lùi Bệnh sốt rét - bên cạnh Ngân hàng Thế giới và các cơ quan Liên Hiệp Quốc nói bệnh sốt rét đe dọa 2,2 tỉ người tại 20 quốc gia trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, trong khi 330 triệu người có nguy cơ mắc bệnh chỉ riêng tại các nước ASEAN.

Trong năm 2010, vùng châu Á - Thái Bình Dương có 29 triệu ca sốt rét, với tất cả 38.000 ca tử vong. Hơn 90% trường hợp tử vong xảy ra tại Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Papua New Guinea.

Các giới chức Y tế đã hết sức lo ngại về con số các bệnh nhân bệnh sốt rét ngày càng tăng tại Thái Lan và Campuchia, và tại các vùng biên giới của Malaysia.

Các nhà khoa học đổ lỗi cho việc sử dụng một loại thuốc duy nhất và nạn bán thuốc giả là nguyên nhân chính đưa tới tình trạng kháng thuốc ngày càng phổ biến hơn.

Ông Teuscher nói ngày càng có  nhiếu lo ngại về nguy cơ phương pháp điều trị bằng thuốc sẽ không còn hiệu quả tại một thời điểm nào đó.

Ông Teuscher nói: “Mối đe dọa hiện nay là tình trạng kháng thuốc. Theo như Tổ chức Y tế Thế giới- thì phải mất nhiều thì giờ hơn để quét sạch ký sinh trùng trong máu của bệnh nhân. Thuốc hiện giờ vẫn có thể chữa trị bệnh nhân, dù phải mất nhiều thời gian hơn. Do đó có dấu hiệu thuyết phục cho thấy rằng vào một thời điểm nào đó, thuốc sẽ hết hiệu nghiệm.”

Ông Teuscher kêu gọi nên có hợp tác xuyên biên giới nhiều hơn để kiềm hãm sự  phát triển của mối đe dọa do bệnh sốt rét kháng thuốc gây ra. Tuy nhiên ông nói muốn thành công, cần phải xử lý một cách hoàn hảo tất cả các ca sốt do bệnh sốt rét  gây ra, tránh việc sử dụng một loại thuốc điều trị duy nhất, và phải theo dõi chặt chẻ.

Ông hy vọng rằng với những nguồn lực đầy đủ, bệnh sốt rét cuối cùng sẽ được xóa sạch.

Ông nói: “Chúng ta có thể đi xa hơn nữa, về phần lớn thì đây là vấn đề liệu có đủ quyết tâm chính trị để quảng bá cho viễn kiến đó dựa trên căn bản chiến lược và đúng chỗ, rồi sau đó huy động nhân lực và các nguồn tài chánh rộng rãi để thực hiện mục tiêu đó.”

Các buổi họp kéo dài hai ngày tại Phuket, Thái Lan sẽ kết thúc vào ngày thứ Sáu với những cuộc thảo luận về việc kiểm soát những chứng bệnh kinh niên không lây nhiễm, như bệnh tim, ung thư, tiểu đường và các hình thức bệnh phổi kinh niên.

Những đề tài khác gồm có hệ thống chăm sóc y tế dành cho tất cả, kiểm sóat thuốc lá, việc lây lan virút AIDS tại các khu thành thị, và hệ thống đáp ứng tai họa khẩn cấp.

Bộ trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên cũng tham dự các cuộc thảo luận quy tụ các Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN và các giới chức khác.