Chứng thoát vị đĩa đệm

PostTue May 15, 2012 2:05 pm

VOA - Health

<!--IMAGE-LEFT-->Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Lê Chánh ở Daklak và ông Trần Công Bình ở Quảng Trị có nêu thắc mắc.

Các triệu chứng đau mà ông Chánh và ông Trần Công Bình có một số điểm tương tự nên bác sĩ Hồ văn Hiền đã trả lời chung 2 ông trong phần giải đáp sau đây:
Back pain and radicular pain (sciatica)

Trả lời ông Lê Chanh 51 t, Đắc lắc và ông Trần Công Bình, Quảng trị:

Ông từng mổ cột sống cổ và lưng. Cơ chế của việc đau tay, đau chân do chèn ép dây thần kinh phát xuất từ tuỷ sống, phần chính là do đĩa đệm bị thoái hoá, thoát vị (herniation) ra khỏi vị trí bình thường của mình (nằm giữa các đốt xương sống), hoặc phình ra làm nghẽn ống tuỷ xương sống, và làm các rễ thần kinh bị khó chịu (irritation), hoặc đè, ép lên các dây thần kinh này làm cho chúng ta có cảm giác đau.

Tuy nhiên cơ chế do đó các đĩa đệm thoái hoá này gây ra các cơn đau chưa được hiểu tường tận lắm. Có nghĩa là có những người đĩa đệm thoái hoá, thấy đè dây rể thần kinh trên chẩn đoán hình ảnh nhưng lại không đau gì cả, hoặc đau ít hơn người khác. Ngược lại có những người đau dọc theo dây thần kinh chân tay, nhưng chụp MRI thì không thấy gì bất thường. Nói như vậy để hiểu rằng giải phẫu chỉ là một trong những phương pháp trị liệu, có thể thành công, nhưng đôi khi không giải quyết được, hoặc không giải quyết hoàn toàn bịnh đau lưng, đau rể thần kinh xương hông (sciatica). Phần còn lại trong trách nhiệm trị liệu là của bác sĩ tổng quát của bịnh nhân và chính bản thân người bịnh làm giảm những yếu tố cơ nguy (risk factors) làm mình có thể đau tái lại, hoặc đau thêm:

Do đó xin có những nhận xét sau, với tính cách thông tin:

Chúng ta đã bàn về bịnh đau thần kinh hông (sciatica) trong một bài dài mới đây, xin xem lại để biết chi tiết.

Chỉ xin nhắc ở đây là quá trình hồi phục các bịnh đau dây thần kinh do chèn ép ở cột sống là quá trình lâu dài, 1/2 năm, 1 năm trở lên. Dù không giải phẫu, đa số (chừng 2 phần 3, thoát vị đĩa đệm [disc herniation] sẽ thuyên giảm hoặc lành hẳn).

Chữa trị:

Biện pháp bảo thủ cho các trường hợp đơn giản:

1. đắp nước đá 2-3 ngày lên những vùng đau (lạnh làm giảm sưng/viêm)

2. nếu cần uống thuốc giảm đau như Acetaminophen (paracetamol, "Tylenol"), giảm viêm nhóm NSAID như Ibuprofen (vd Advil, Motrin), naprosyn (Aleve); coi chừng xót ruột, nên uống sau khi ăn, những người loét bao tử, từng chảy máu bao tử, áp huyết cao (hypertension, bịnh gan, dễ chảy máu (bleding disorder) nên tránh loại ANSAID này.

3. không nên nằm một chỗ (bedrest is not recommended)

Để tránh tái phát, rất quan trọng:

● Tránh khiêng, nâng, vật nặng, xoay qua lại (twisting) cột xương sống, ít lắm là trong 6 tuần đầu.
● Không bao giờ khom lưng xuống mà nâng một vật nặng lên, nghĩa là không dùng lưng để nâng đồ vật lên. Nếu thật cần, chỉ nên ngồi chồm hổm, và đưa tay ra, đứng lên, nghĩa là dùng hai chân để nâng đồ vật lên.
● Sáng sớm thức dậy, đừng nhảy ra khỏi giường, từ từ đưa chân xuống, chống hai tay và đứng dậy.

Nếu càng ngày càng đau thêm, hoặc nếu trường hợp phức tạp như chấn thương mạnh, đau kéo dài vài tuần, triệu chứng đường tiểu (tiểu ra máu, són tiểu), đau lúc nằm xuống... cần liên lạc với bs để chữa trị.

Các yếu tố cơ nguy (risk factors)

- Người từng bị đau dễ bị lại, nên cẩn thận hơn.
- Người hút thuốc lá dễ bị đau thần kinh hông hơn: lý do có thể là thuốc lá làm đĩa đệm yếu đi, làm bịnh nhân ho nhiều do đó áp xuất trong đĩa đệm xương sống (intra-disc pressure) gia tăng, gây đau.
- Một số nghề như: thợ mộc, thợ máy (machine operators), tài xế, lái xe nhiều (có thể do tầng số rung đặc biệt của chiếc xe tác động trên cột sống).
- Đi nhiều, chạy nhiều (jogging) làm người từng bị đau thần kinh hông dễ bị đau lại (khác với người chưa bị, thì jogging làm giảm cơ nguy đau sciatica)

Trường hợp đùi mỏi, đầu gối hay kêu cần phải khám mới biết ý nghĩa nó ra sao. Cần biết có thật là các cơ bên này yếu hơn bên kia, hay teo lại hay không. Một cách đại khái là lấy thước dây đo chu vi ở hai bên đùi và bắp chuối cẳng chân xem có khác nhau quá nhiều hay không. Thử xem chân cẳng bên này có yếu hơn bên kia không. Nếu có, cần bs xem lại. Khớp đầu gối kêu, lúc có lúc không, không có ý nghĩa rõ rệt. Nếu luôn luôn kêu, cần nhờ bs xem lại.
-----
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 821 guests

cron