Chứng mệt mỏi mãn tính

PostTue Aug 30, 2011 5:24 pm

VOA - Health












<!--IMAGE-LEFT-->
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Chúng tôi có nhận được email của một thính giả ở Thụy Sĩ và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Bịnh nhân (không biết nam hay nữ), từ lúc 50 tuổi, bị nhức khớp xương, lạnh đầu gối, toàn thân đuối sức. Nhiều bác sĩ theo dõi, khảo sát, không tìm ra nguyên do, cho uống thuốc giảm đau và thuốc hạ huyết áp lúc huyết áp lên cao.

Cũng như mọi lần, tôi chỉ xin bàn đến một số triệu chứng với mục đích thông tin, để giúp trả lời thắc mắc của bịnh nhân. Chúng ta không có ý định định bịnh và chữa trị một trường hợp đang được săn sóc tường tận và kỹ lưỡng bởi nhiều bác sĩ ở Thụy Sĩ.

Trường hợp bịnh nhân mõi mệt (fatigue) mãn tính (“kinh niên”, trên 6 tháng) mà thử nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không tìm thấy gì, người ta thường đưa ra các định bịnh sau đây để dễ làm việc:

(1) Hội chứng mệt mõi mãn tính (HCMMT, chronic fatigue syndrome) nếu hội được ít nhất 4 trong các triệu chứng sau (cũng trên 6 tháng):

1. trí nhớ, khả năng tập trung giảm
2. đau họng (sorethroat)
3. hạch đau ở nách và cỗ (tender lymph nodes)
4. đau cơ bắp
5. đau nhiều khớp xương
6. nhức đầu mới xuất hiện
7. ngủ dậy không thấy khỏe khoắn (unrefreshing sleep)
8. vận động, thể dục xong lại càng thấy khó chịu thêm (post exercise malaise)

(2) Nếu không có những triệu chứng kèm theo, người ta xếp vào loại “chứng mệt mõi mãn tính vô căn” (idiopathic chronic fatigue), nghĩa là không biết lý do.

Nguyên nhân gây ra HCMMT chưa được hiểu rõ lắm. Trước đây người ta cho rằng bịnh do trước đó bịnh nhân bị nhiễm một siêu vi như Eptein Barr virus, và sự điều hòa hệ miễn nhiễm bị rối loạn (immune dysregulation mechanism).

Các nhà tâm lý học thì nhận thấy rằng bịnh nhân trong quá khứ (thời thơ ấu) thường có những biến cố làm tổn thương tâm lý (childhood trauma) hoặc những bịnh tâm lý (psychopathology)làm não bộ người bịnh trong trạng thái nhạy cảm một cách bất bình thường với các yếu tố gây stress (stressors).

Về sinh học, người ta cũng nhận thấy cơ thể của bịnh nhân có thể đối phó với các stress một cách bất bình thường. Ví dụ, lúc bị stress, hypothalamus trong não bộ kích thích tuyến yên (bằng hạt đậu dưới não bộ, pituitary gland), tuyến yên kích thích tuyến thượng thận (trong bụng, trên hai trái thận) để tiết ra chất cortisol, vì một cơ chế, có thể mức hoạt động cortisol thấp hơn ở người bịnh MMT (hypocortisolism). Tuy nhiên, trong khảo cứu thực tế người ta dùng corticoid để trị HCMMT nhưng không có kết quả rõ rệt.

Chữa trị:

Bịnh HCMMT khó chữa dứt và cần nhiều bs, chuyên viên can thiệp: bs gia đình để giải quyết những vấn đề như trị đau nhức, điều hoà áp huyết, giải thích các triệu chứng cho bịnh nhân hiểu, ít nhất thì người bịnh biết bình không bị một bịnh gì ghê gớm đe dọa mạng sống, khuyến khích người bịnh tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp, thường ngày.

Bs cần lắng nghe để động viên tinh thần, không khoát tay cho rằng bịnh nhân tưởng tượng ra bịnh, làm bịnh nhân chán nãn.

Có thể cần bác sĩ tâm thần để trị những bịnh đi kèm như trầm cảm (depression) nếu có. Chuyên viên tâm lý dùng tâm lý trị liệu pháp (psychotherapy, nếu người bịnh thấy hứng thú) để thay đổi nhãn quan (perceptions), hành vi (behavior) của người bịnh. Ví dụ cách nhận thức về cuộc sống, về các khó khăn cuộc sống có thể không đúng với thực tế và làm cho người bịnh thấy mình bị nhiều cái “khổ”, nhiều “khuyết điểm” hơn là mình có thật sự, và do đó với khuynh hướng cầu toàn (perfectionist) cố gắng quá sức mình để “đạt tiêu chuẩn” do chính mình đặt ra, lại càng làm đuối sức mệt mõi thêm

(3) Một chứng khác có thể liên hệ đến bịnh này là bịnh fibromyalgia, thường đàn bà dưới 50 tuổi, cũng có những triệu chứng tương tự: mệt mõi, đau bắp cơ, đau khớp, tê tay chân, thử nghiệm, chẩn đoán hình ảnh không thấy gì bất bình thường. HC MMT và fibromyalgia khó phân biệt. Hai loại bịnh nhân này cũng đi khám bịnh nhiều và vì bs không tìm ra test gì bất bình thường, bác sĩ cũng như bịnh nhân thấy chán nãn, bực bội.

Hai câu hỏi cuối cùng:

1) Zaldiar là thuốc giảm đau kết hợp hai chất

1. acetaminophen (thường bán tự do ở Mỹ, tên Tylenol, nếu uống quá liều thì có thể hại gan)

2. và tramadol là một chất ma túy (opioid), trên lý thuyết, có khả năng gây nghiện thuốc (physical dependence) và nếu ngưng đột ngột có thể gây triệu chứng cai thuốc (withdrawal symptoms)

2) Câu hỏi về dùng thuốc Coversum (perindopril, là một ACE inhibitor) cho áp huyết lên xuống bất thường, bịnh nhân cần được bs Thụy sĩ theo dõi và hướng dẫn kỹ lưỡng. Theo tôi nghĩ áp huyết lên xuống có thể cũng là một thành phần của bịnh HCMMT. Uống thuốc giảm huyết áp tùy tiện có thể không có lợi, một trong những lý do là chúng ta kéo áp huyết xuống thấp bằng thuốc, lúc đó, nếu ngưng thuốc, đột ngột áp huyết có thể tăng vọt (rebound) trở lại có thể còn cao hơn lúc trước (như cái yoyo), và chưa chắc có ích cho tim mạch.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 287 guests

cron