Có hai phương pháp thông thường để tạo ra vắc-xin. Một là sử dụng một mẫu virus đã bị làm giảm độc tính từ virus còn sống để tạo ra phản ứng miễn nhiễm. Còn phương pháp kia sử dụng virus đã chết. Cả hai phương pháp này đều chứng tỏ là an toàn và hữu hiệu, ngoại trừ đối với virus HIV. Cả hai phương pháp này đều không thành công ở người khi sử dụng để chủng ngừa virus gây bệnh AIDS.
Bác sĩ Louis Picker, phó giám đốc của Trường Đại học Y tế và Khoa học Oregon, nói:
“HIV vẫn là một mục tiêu rất khó cho vắc-xin chủng ngừa vì nhiều lý do. Cấu tạo của virus này giúp nó thoát khỏi phản ứng miễn dịch bằng cách tiến hóa.”
Dù những nỗ lực tạo ra vắc-xin chủng ngừa HIV từ virus đã chết thất bại, ông Picker nói phương pháp sử dụng virus suy yếu độc lực chứa đựng những manh mối và tiềm năng khi được thí nghiệm trên loài linh trưởng.
“Phương pháp sử dụng virus sống, suy yếu độc tính thật ra hiệu nghiệm từ cách đây 20 năm. Nhưng vấn đề với phương pháp này là virus vẫn còn gây bệnh. Vì thế phương pháp này không an toàn và không thể tiến hành trên cơ thể người được. Kết quả này đã được chứng minh ở loài linh trưởng không phải người. Đó là loài khỉ với virus SIV, tương tự như với virus HIV ở người.”
SIV là tên viết tắt của cụm từ chỉ loại virus làm suy giảm tính miễn nhiễm nơi loài khỉ. Bác sĩ Picker cho biết thêm:
“Các virus SIV đã được làm giảm độc tính có thể ngăn chặn lây nhiễm từ virus có đầy đủ độc tính, nhưng nó vẫn có khả năng gây bệnh. Người ta phát hiện ra rằng nếu tiếp tục làm suy yếu độc lực nữa thì vắc-xin sẽ không còn tác dụng.”
Bác sĩ Picker và các đồng nghiệp muốn tìm hiểu lý do vì sao virus bị làm giảm độc tính lại có thể bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Nhưng đồng thời, họ cần phải ngăn chặn để nó không gây bệnh. Họ tìm thấy câu trả lời có liên quan đến các tế bào T, tế bào trình diện kháng nguyên tấn công virus. Vắc-xin virus được giảm độc tính bằng cách nào đó khiến các tế bào T cảnh giác hơn bao giờ hết. Nhưng nếu virus bị suy yếu quá nhiều, các tế bào T sẽ không được kích hoạt để tấn công. Họ kết luận rằng "vắc-xin chủng ngừa HIV có hiệu quả phải bám trụ trong cơ thể." Bác sĩ Picker nói:
“Khía cạnh độc đáo của vắc-xin sống giảm độc tính có hiệu quả là phải có tính bền bỉ. Nó không bị hệ miễn dịch của vật chủ đẩy ra, và phải có khả năng bám trụ trong cơ thể. Trường hợp vắc-xin chủng ngừa HIV/SIV thì không được như vậy, bởi vì cuối cùng virus sống được giảm độc tính lại tăng độc tính lên và gây bệnh. Nhưng có lẽ lý do cơ bản mà vắc-xin này có khả năng bảo vệ, ít nhất theo giả thuyết của tôi, chính là nhờ sự bền bỉ bám trụ trong cơ thể.”
Vì vậy, nhóm của bác sĩ Picker tìm kiếm một loại virus bền bỉ khác mà không gây bệnh, một loại virus có thể tạo ra phản ứng miễn nhiễm của tế bào T. Bác sĩ Picker nói:
“Virus mà chúng tôi đã chọn được gọi là cytomegalovirus (CMV). Loại virus này thuộc họ khác với tất cả những họ virus khác, nhưng nó là loại virus mà hầu hết mọi người trên thế giới đều bị nhiễm. Nhưng điểm độc đáo là bạn có thể cho những người này tái nhiễm loại virus này nhưng giờ đây lại mang thêm gien của virus HIV. Khi đó cơ thể sẽ phản ứng miễn dịch với những gen HIV đó.”
Bác sĩ Picker nói gien virus HIV khi được cấy vào virus vô hại sẽ không gây ra bệnh. Bác sĩ Picker cho biết:
“Khi những gien này đi vào cơ thể người được tiêm vắc-xin, phản ứng miễn nhiễm sẽ xem những gien này thuộc về virus CMV và làm tăng phản ứng miễn nhiễm với nó.”
Kế hoạch là như vậy, nhưng cái khó là tạo ra một phiên bản vắc-xin an toàn và hiệu quả đối với con người. Việc này đòi hỏi phải tìm được một vắc-xin theo đề xuất được chấp thuận và nhiều năm thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi đó, ở Thái Lan, một nghiên cứu tiếp theo đang được tiến hành với vắc-xin RV 144. Mấy năm trước, một nghiên cứu cho thấy vắc-xin này quả thực có thể bảo vệ vật chủ ở mức độ nào đó khỏi virus HIV, nhưng tính hiệu quả chỉ có 31% là không đủ. Một nghiên cứu lâm sàng có tên là RV 305 sẽ sử dụng cùng thành phần của vắc-xin RV 144, nhưng sẽ thử tăng cường và mở rộng phản ứng miễn nhiễm thông qua các kháng thể.