Chiến lược mới cho cuộc chiến chống HIV/AIDS

PostMon Jul 09, 2012 6:19 pm

VOA - Health

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những nước đang phát triển cần những chiến lược điều trị HIV toàn diện để chấm dứt nạn kỳ thị và phân biệt đối xử. WHO nói rằng vẫn còn những nhóm người thuộc thành phần dễ bị lây nhiễm nhưng không được cung cấp đầy đủ thuốc kháng virus HIV.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thuốc kháng virus không những có thể kéo dài cuộc sống của người nhiễm HIV mà còn giúp ngăn ngừa lây nhiễm ngay từ đầu. Chiến lược này còn được biết đến với tên gọi “điều trị để phòng ngừa.”

Việc áp dụng chiến lược điều trị này có thể giúp các nước giảm đi rất nhiều mức độ lây lan của HIV bằng việc sử dụng thuốc kháng virus như một biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, những người cần được điều trị và phòng chống HIV thường lại không nhận được sự hỗ trợ vì địa vị xã hội của họ.

Bác sĩ Gottfried Hirnschall, giám đốc chuyên trách bộ phận HIV/AIDS của WHO cho biết:

“Ở nhiều nước vẫn còn tình trạng kỳ thị nhắm vào những thành phần nhất định trong dân chúng, và ở một số nước hành vi của những nhóm người này còn bị xem là tội phạm. Hoạt động mại dâm ở nhiều nước châu Phi là hành vi tội phạm. Việc đàn ông quan hệ tình dục với nhau cũng bị xem là phạm tội, cũng như việc tiêm chích ma túy.”

MGM là tên viết tắt để chỉ những người đàn ông có quan hệ tình dục với người cùng phái tính, một trong những nhóm được Cơ quan chống AIDS LHQ chính thức liệt vào thành phần dể bị lây nhiễm:

Bác sĩ Gottfried Hirnschall nói tiếp:

“Chúng tôi biết rằng những người này gặp trở ngại trong việc  tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Và dĩ nhiên hậu quả là ở nhiều nơi những nhóm người này có tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao hơn.”

Vấn đề khi nào thì bắt đầu điều trị cũng là một phần trong chiến lược toàn diện này. Khi mới được đưa vào sử dụng, thuốc kháng virus thường được cấp cho bệnh nhân khi hệ miễn dịch của họ đã suy sụp và đang bị nhiễm trùng cơ hội tấn công. Tình trạng sức khỏe của họ được đo bằng số lượng tế bào CD4, tức là số lượng tế bào miễn dịch có nơi một người.

Bác sĩ Hirnschall nói, trong những năm gần đây, bệnh nhân được khuyến nghị bắt đầu điều trị sớm hơn nhiều.

“Nếu việc điều trị bắt đầu sớm, như đang được thực hiện ở Mỹ, cùng với sự thay đổi chính sách vừa rồi, thì có thể có lợi hơn cho bệnh nhân. Hiện nay WHO khuyến cáo bắt đầu điều trị khi số lượng tế bào CD4 ở dưới mức 350, nghĩa là hệ miễn dịch tuy đã có dấu hiệu suy yếu nhưng bệnh nhân vẫn chưa bệnh nặng lắm.”

Điều trị sớm có thể giúp tránh được nhiều nhiễm trùng cơ hội.

Hai cuộc nghiên cứu gần đây đã chứng minh được chiến lược điều trị để phòng ngừa này. Nghiên cứu một đôi gồm một người bị HIV dương tính và người kia âm tính cho thấy, thuốc kháng virus có hiệu quả đến 96% trong việc ngăn ngừa HIV lây lan sang người âm tính.

Một nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả của việc phòng ngừa tiền lây nhiễm. Bác sĩ Hirnschall cho biết:

“Ngay cả khi một người âm tính với HIV sử dụng thuốc kháng trước khi tiếp xúc với virus HIV, thì người này cũng có thể được bảo vệ khỏi bị lây nhiễm. Vì vậy việc sử dụng thuốc kháng virus mang lại kết quả ngày càng lạc quan hơn, nhưng đồng thời cũng phức tạp hơn.

Bác sĩ Hirnschall nói cho người sử dụng thuốc kháng virus có thể sẽ tốn kém hơn trong ngắn hạn và có thể tiêu tốn hàng tỉ đô la. Nhưng về dài hạn, ông nói chi phí sẽ giảm đi và nhiều người sẽ được cứu mạng.

“Tỉ lệ tử vong và tỉ lệ lây nhiễm mới sẽ giảm đi đáng kể. Vì thế chúng tôi ước tính trong giai đoạn từ đây cho đến năm 2020 sẽ ngăn chặn được hơn 12 triệu ca nhiễm mới và 7,4 triệu ca tử vong. Nói cách khác, chúng ta cần phải đầu tư. Chúng ta cần phải dàn trải nguồn lực ra nhưng đó là điều đáng làm.

Bác sĩ Hirnschall nói rằng Tổ chức Y tế thế giới đang phát triển một hướng dẫn mang tính hợp nhất. Mục đích của hướng dẫn này là để giúp các nước đang phát triển thành lập những chiến lược chăm sóc và điều trị cho những nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 766 guests

cron