COVID từ đâu ra? Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được

PostWed May 17, 2023 6:11 pm

VOA - Health


Một giả thuyết cho rằng đại dịch COVID bắt đầu từ động vật hoang dã nhiễm virus được bán tại chợ Trung Quốc. Một giả thuyết khác nói rằng đó là hậu quả của sự bất cẩn tại một phòng thí nghiệm gần đó. Các nhà khoa học tới nay chưa tìm ra bằng chứng xác quyết về một trong hai khả năng này.


Bí ẩn dai dẳng của đại dịch COVID-19: Virus đến từ đâu?


Các nhà khoa học biết rằng SARS-CoV-2, mầm gây bệnh, thuộc một dòng họ virus được tìm thấy ở một số loài dơi móng ngựa phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới bên ngoài châu Mỹ. Hầu hết họ cũng đồng ý rằng nhiều trường hợp nhiễm bệnh và tử vong được biết đến sớm nhất tập trung xung quanh một chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán, Trung Quốc.


Nhưng trong ba năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định cách thức nó lây nhiễm cho nạn nhân đầu tiên, gây ra đại dịch giết chết gần 7 triệu người, theo số liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, và nhiều hơn nữa nếu tính luôn các trường hợp tử vong do nhiễm trùng không được báo cáo.


Gần đây, cuộc tranh luận đã trở nên căng thẳng hơn sau khi một nhóm nghiên cứu Trung Quốc đăng tải bằng chứng DNA, được lấy từ chợ Vũ Hán trong thời gian bùng phát dịch, lên cơ sở dữ liệu trình tự gen quốc tế. Dữ liệu này, chưa từng được tiết lộ trước đây, cho thấy sự hiện diện của động vật hoang dã trong cùng một khu chợ nơi nhóm này tìm thấy SARS-CoV-2. Các loài động vật, được biết là dễ bị nhiễm virus dơi, bao gồm những con lửng chó, chuột tre và nhím.


Mặc dù chưa mang tính kết luận, nhưng một số nhà khoa học cho biết dữ liệu bổ sung thêm bằng chứng cho giả thuyết rằng virus lây từ động vật sang người thông qua cái được gọi là “lan truyền từ thú vật sang người”, nguồn gốc của nhiều bệnh truyền nhiễm nơi người.


Những người khác nghi rằng mầm bệnh bằng cách nào đó đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, cách chợ Vũ Hán 27 km, nơi nghiên cứu virus dơi. Ý tưởng này đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn vào đầu năm nay khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trong một báo cáo cho biết có khả năng, với “độ tin cậy thấp”, xảy ra rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Các cơ quan khác của Hoa Kỳ đã nghiên cứu vấn đề nghiêng về sự lây lan tự nhiên, mặc dù cũng chưa mang tính kết luận.


Cơ sở cụ thể cho các đánh giá vừa kể chưa được tiết lộ công khai.


Mặc dù vẫn còn là một bí ẩn về cách thức virus đến Vũ Hán, nhưng nguy cơ lây lan đã gia tăng đáng kể ở Trung Quốc, bao gồm một số khu vực trong bán kính 400 km từ chợ Vũ Hán. Hồ sơ của tòa án Trung Quốc đầy những trường hợp các tay săn bắn trộm đi săn động vật hoang dã từ các khu vực nguy hiểm, và các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đã thu thập các mẫu dơi ở đó.


Những thập niên gần đây đã biến nhiều phần của Trung Quốc thành một “bãi mìn dịch tễ học”. Những khu vực này kết hợp các yếu tố bao gồm mất cây cối, lượng mưa và các loài dơi, tạo ra các điều kiện làm dịch bệnh lây lan.


Dữ liệu cho thấy từ năm 2002 đến 2019, “bãi mìn dịch tễ học” đã mở rộng 54%, tăng gần 150.000 km2, diện tích lớn hơn cả Nepal. Một nơi tập trung các “bãi mìn” này gồm một vùng có nhiều núi và ao hồ cách chợ Vũ Hán khoảng 175 km về phía đông nam. Khu vực đó, xung quanh Hồ Bà Dương khổng lồ của Trung Quốc, đã bị suy thoái nặng nề do xây dựng các đập, khai thác mỏ và chăn nuôi lợn.


Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phải vật lộn để tìm ra bằng chứng thuyết phục về nguồn gốc địa lý hoặc sinh học của COVID-19. Một phần, bí ẩn vẫn dai dẳng vì Bắc Kinh không cho phép một cuộc điều tra độc lập về một trong hai giả thuyết – động vật bị nhiễm bệnh hoặc virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.


Chính phủ Trung Quốc nói họ đã hỗ trợ và tham gia nghiên cứu để xác định nguồn gốc của COVID-19. Nước này đã cáo buộc Hoa Kỳ chính trị hóa vấn đề, đặc biệt là do những nỗ lực của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ để điều tra.


Bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 3 năm nay: “Việc giao cho cộng đồng tình báo phụ trách một vấn đề khoa học là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy vấn đề này đã bị chính trị hóa.”


Khi mới bùng phát, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy mầm bệnh COVID-19 trên các bề mặt của các quầy hàng và cống thoát nước trên sàn của chợ Vũ Hán, nơi buôn bán động vật hoang dã. Nhưng không có bằng chứng nào cho đến nay cho thấy họ đã xét nghiệm động vật sống trước khi chính phủ đóng cửa ngôi chợ này.


Không có thêm bằng chứng, các giả thuyết về rò rỉ phòng thí nghiệm bắt đầu lan truyền.


Cả hai khả năng đều có tiền lệ ở Trung Quốc.


Cuối năm 2002, virus SARS-CoV-1 xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, và trở thành đại dịch SARS năm 2003. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học đã xét nghiệm trên động vật tại một khu chợ địa phương và tìm thấy virus ở cầy hương cũng như bằng chứng nhiễm trùng ở một con lửng chó và một con lửng chồn. Sự lây truyền từ động vật sang người được các nhà khoa học coi là nguồn gốc của sự bùng phát đó.


Sau khi đại dịch SARS kết thúc, hai sinh viên tốt nghiệp cử nhân đã bị nhiễm SARS trong lúc đang làm việc tại Viện Virus học Quốc gia ở Bắc Kinh, nơi các nhà khoa học đang nghiên cứu mầm bệnh. Đợt bùng phát đó dù được ngăn chặn nhưng đã lan sang chín người và giết chết một người. Vụ này hiện đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho những người nghi ngờ COVID rò rỉ từ phòng thí nghiệm.


Năm 2010, bác sĩ Zhong Nanshan, lãnh đạo các đáp ứng của Trung Quốc đối với SARS – và COVID-19 những năm sau – nói với một tờ báo Trung Quốc rằng “sự cân bằng sinh thái giữa con người và thiên nhiên đã bị khai thác quá mức”. Ông lưu ý đến việc phát hiện ra virus giống SARS ở dơi móng ngựa vào thời điểm đó ở Vũ Hán và Hong Kong. Nhận xét của ông đã được trích dẫn trong một bài báo nghiên cứu.


“Nếu chúng ta kiên quyết thực hiện các biện pháp, tôi đoán SARS sẽ không quay trở lại,” ông nói. “Nếu không tăng cường quản lý, chắc chắn dịch sẽ quay trở lại”.


Ông Zhong không hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters.


Kể từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện, các nhà khoa học đã phát hiện ra các mẫu trùng khớp với virus này trong các mẫu thu thập từ loài dơi ở tỉnh Vân Nam. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện các virus có liên quan chặt chẽ với mầm bệnh COVID-19 trong loài dơi xuyên biên giới tại Lào.


Nhưng không có loại nào gần với SARS-CoV-2 đủ để được xác định là tổ tiên trực tiếp.


Nếu không có bằng chứng dứt khoát, suy đoán có thể sẽ tiếp tục.


Các chính phủ phương Tây và phần lớn cộng đồng khoa học thế giới đã thúc giục Trung Quốc cởi mở hơn và hợp tác hơn với những phát hiện của các nhà nghiên cứu. “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu, tiến hành các cuộc điều tra cần thiết và chia sẻ kết quả,” ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nói trong một cuộc họp báo vào tháng 3 năm nay.


“Hiểu được đại dịch bắt đầu như thế nào vẫn là một mệnh lệnh về đạo đức lẫn khoa học.”

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 91 guests

cron