Ở Mỹ, nhân viên y tế gốc Á vừa chống dịch vừa chống phân biệ

PostFri May 07, 2021 8:22 am

VOA - Health


Nhờ có vắc-xin và đồ bảo hộ, sinh viên y khoa Natty Jumreornvong được bảo vệ trước virus corona. Nhưng cô không thể tránh được nguy cơ gặp phải các thái độ hay hành động chống người châu Á đã nổi lên sau khi mầm bệnh ban đầu được xác định là ở Trung Quốc.


Cô cho biết các bệnh nhân khoa tâm thần đã chửi cô bằng những lời lẽ tục tằn nói về bệnh dịch. Một người đứng ngoài đường đã nhổ nước bọt vào sinh viên gốc Thái Lan này và bảo cô "hãy cút về Trung Quốc" khi cô bước ra khỏi bệnh viện ở thành phố New York, nơi cô đang được đào tạo.


Và khi cô đang đi bộ trên phố hôm 15/2, một gã đàn ông đến gần cô, gầm gừ “đồ virus Tàu”, hắn lấy mất điện thoại của cô và kéo lê cô trên vỉa hè, Jumreornvong kể lại. Cô đã báo cáo vụ tấn công cho cảnh sát. Một cuộc điều tra đang diễn ra.


Đối với các nhân viên y tế gốc châu Á và các đảo ở Thái Bình Dương, “có vẻ như chúng tôi đang phải chiến đấu trong nhiều trận chiến cùng một lúc - không chỉ là COVID-19, mà còn cả nạn phân biệt chủng tộc nữa”, Jumreornvong nói. Cô là sinh viên tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai.


Người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương đã phải đối mặt với làn sóng quấy nhiễu và tấn công ở nhiều nơi trong thời kỳ đại dịch. Nhưng những người làm việc trong lĩnh vực y tế đang cảm thấy đặc biệt rõ ràng về việc bị nhắm làm mục tiêu của nạn phân biệt chủng tộc có nguyên nhân từ dịch bệnh, trong khi chính họ vẫn đang làm việc vất vả để chữa trị, phòng chống dịch để mọi người không bị chết vì nó.


“Những người trong cộng đồng của tôi từ chỗ là anh hùng ngành y đã trở thành vật tế thần”, bác sĩ Michelle Lee, một chuyên gia X quang ở New York, nói. Bà đã thực hiện một cuộc diễu hành gồm 100 nhân viên y tế mặc áo choàng trắng hồi tháng 3 để lên án nạn tội phạm vì lòng thù ghét chống người châu Á.


Bà Lee nói: “Chúng tôi không làm quý vị lây virus. Chúng tôi thực sự đang cố giúp quý vị loại trừ virus”. Bà kể lại rằng những người xa lạ trên đường phố đã khạc nhổ vào bà hai lần trong năm ngoái.


Người gốc châu Á và các đảo Thái Bình Dương chiếm khoảng 6% đến 8% dân số Hoa Kỳ, nhưng họ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong một số ngành nghề chăm sóc sức khỏe, bao gồm khoảng 20% bác sĩ và dược sĩ phi phẫu thuật, và 12% đến 15% bác sĩ phẫu thuật, nhân viên trị liệu và y sĩ, theo thống kê liên bang.





Tổng thống Biden tại một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 ở Virginia, có các nhân viên gốc Á; 6/4



Trước đại dịch, các nghiên cứu cho thấy 31% đến 50% bác sĩ gốc Á gặp phải sự phân biệt đối xử trong công việc, từ chuyện bệnh nhân từ chối việc họ chăm sóc cho đến chuyện gặp khó khăn trong việc tìm người kèm cặp.


Tỷ lệ đó thấp hơn các bác sĩ da đen, nhưng cao hơn các bác sĩ da trắng và gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha, theo một nghiên cứu năm 2020.


Một cuộc nghiên cứu khác cũng trong năm 2020 về nhân viên ngành y cho thấy tất cả những người gốc Á cho biết rằng bệnh nhân đã hỏi họ về gốc gác của họ.


Sinh viên y khoa tại Đại học Columbia có tên là Hueyjong “Huey” Shih kể lại rằng anh đã phải đối diện với chuyện “người ta nghĩ thế này thế kia và tất cả đều đi đến một câu hỏi vô duyên” từ một đồng nghiệp trong bệnh viện, đó là: Có phải Shih là con một vì chính sách một con của Trung Quốc trước đây không?


Shih sinh ra ở bang Maryland, gia đình anh đến từ Đài Loan. Anh cho biết là người đồng nghiệp đã xin lỗi sau khi được trả lời thẳng thắn. Viết trên trang tin tức ngành y có tên là Stat, anh và các sinh viên y khoa Jesper Ke và Kate E. Lee đã đề nghị các trường y đưa những chuyện trải qua của người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương vào mục đào tạo về chống phân biệt chủng tộc.


Trong nhiều thế hệ, người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với việc bị coi như “mãi mãi là bọn ngoại quốc” ở một quốc gia có lịch sử từng xem họ là những mối đe dọa. Các quan chức đã đổ lỗi sai trái rằng Khu Phố Tàu của San Francisco đã gây ra dịch đậu mùa vào những năm 1870, rồi thì cấm nhiều người nhập cư Trung Quốc theo Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882, và buộc những người Mỹ gốc Nhật phải vào các trại tái định cư ngay cả khi hàng chục nghìn người thân của họ phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến II.


Trong thời kỳ đại dịch, cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần gọi COVID-19 là “virus Tàu” và bằng các cụm từ khác mà các nhà hoạt động cho rằng đã khiến người Mỹ gốc Á nổi giận.


Báo cáo của cảnh sát cho thấy tội phạm vì lòng thù ghét chống người châu Á ở 26 thành phố và quận hạt lớn của Hoa Kỳ đã tăng vọt 146% vào năm ngoái, trong khi tội phạm thù ghét nói chung chỉ tăng 2%, theo Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa thù hận và cực đoan thuộc trường đại học California State University, San Bernardino.


Nhóm vận động có tên Stop AAPI Hate (Hãy ngăn chặn lòng thù ghét người gốc Á và các đảo Thái Bình Dương) đã nộp gần 3.800 báo cáo về hành vi tấn công, quấy nhiễu và phân biệt đối xử xảy ra từ giữa tháng 3/2020 đến cuối tháng 2/2021 - trước khi có vụ một tay súng giết chết 8 người, trong đó có 6 người gốc Á, tại các cơ sở kinh doanh mát-xa ở khu vực Atlanta vào tháng 3.


Các số liệu thống kê không tách riêng là có bao nhiêu nhân viên y tế trong số các nạn nhân.


Đối với bác sĩ Amy Zhang, sự leo thang này “khiến cho nạn phân biệt chủng tộc dường như đáng sợ hơn rất nhiều so với virus”. Bà là một bác sĩ chuyên khoa gây mê tại các bệnh viện của Đại học Washington.


“Đó là nỗi sợ hãi thường trực. Không bao giờ biết được khi nào thì mình sẽ bị nhắm mục tiêu”, bà nói.


Hồi đầu đại dịch, bà phải đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Và bà trực tiếp đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc khi một người đàn ông da trắng trên phố lẩm bẩm những lời lẽ thô tục để bà nghe thấy, nói về Trung Quốc và về chuyện "gây ra cho chúng tao bệnh đậu mùa", sau đó hắn ta bắt đầu bám theo bà, đồng thời la hét các câu phân biệt chủng tộc và đe dọa tấn công tình dục cho đến khi bà đi vào trong bệnh viện, bà kể lại.





Nhiều vụ kỳ thị người gốc Á xảy ra ở New York thời đại dịch.



Bà Zhang viết trên Crosscut, một trang tin tức ở vùng tây bắc nước Mỹ, ven biển Thái Bình Dương, rằng “Cho dù tôi đã thoát nghèo và theo đuổi giấc mơ Mỹ, cho dù tôi có thể và đã cứu nhiều mạng người trong những hoàn cảnh căng thẳng, song tất cả những điều đó đều chẳng thể bảo vệ tôi trước nạn phân biệt chủng tộc”. Bà có cha mẹ là những di dân Trung Quốc đã từng phải làm việc nhiều giờ với mức lương thấp.


Thời gian này, Ida Chen, sinh viên ngành y sĩ ở New York, luôn mang theo bình xịt hơi cay, cô cũng cài đặt điện thoại di động để tất cả bạn bè biết vị trí của cô và không đi lang thang xa một mình. Có một thời gian, cô giấu phần chân tóc màu nâu sẫm của mình bằng cách đội mũ, chỉ để cho phần ngọn tóc nhuộm màu vàng lộ ra.


Cô bắt đầu thực hiện những biện pháp đề phòng đó sau khi một gã đàn ông đạp xe về phía cô trên đường phố Manhattan vào tháng 3/2020 và chế nhạo rằng "có thể anh cũng thích em đấy, nhưng anh không muốn nhiễm virus corona", sau đó hắn bám theo cô, nói lải nhải cho đến khi cô đã gọi 911, cô kể lại.


Chen là người gốc Trung Quốc. Cô nói: “Tôi học ngành y với suy nghĩ: Tôi chữa trị cho mọi người với ý định tốt đẹp nhất có thể được. Thật đau lòng khi có người không đáp lại sự chân tình và ý định tốt đẹp đó".


Chen và một số người khác nói rằng vụ xả súng ở Georgia đã thúc đẩy họ lên tiếng về chuyện lâu nay nạn phân biệt chủng tộc chống người gốc Á đã bị xem nhẹ.


"Toàn bộ lý do tôi trở thành bác sĩ là để giúp đỡ cộng đồng", bà Lee nói. Bà có cha mẹ là những người Hàn Quốc nhập cư và không ai khác trong gia đình là bác sĩ. Bà nói tiếp: “Nếu tôi không lên tiếng vì cộng đồng, thì họ đã hy sinh, và tất cả những gì họ đã làm, là để làm gì?”


Jumreornvong, tự cho rằng cô sống khác người, cho biết là trước đây cô đã từng bị phân biệt đối xử. Nhưng cô cảm thấy có sự khác biệt khi bị nhắm mục tiêu vì lý do chủng tộc và ở một đất nước nơi mà cô hình dung rằng giấc mơ Mỹ là cố gắng “biến Mỹ thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người và chính bản thân”.


“Đã có lúc tôi hơi bi quan về việc liệu người ta có muốn tôi ở đây hay không”, cô nói. Nhưng cô nghĩ nhiều hơn về việc các đồng nghiệp tập hợp xung quanh cô, bệnh viện bày tỏ sự ủng hộ , và các bệnh nhân thể hiện sự trân trọng đối với công việc của cô ra sao.


Và cô cho biết: “Tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp nhất của nước Mỹ”.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 833 guests

cron